Người gửi: Nguyễn Anh Dũng,
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Chính quyền và cảnh sát địa phương phải có trách nhiệm
Theo tôi để giải quyết vấn đề này cần phải thực hiện các việc sau:
- Phải lập đường dây nóng để người dân thông báo kẻ khả nghi. Đồng thời phải quy rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và công an sở tại. Không ai nắm rõ tình hình tội phạm và hồ sơ tội phạm bằng chính quyền và công an địa phương. Nếu chính quyền và công an địa phương không có trách nhiệm trong tội phạm này thì loại tội phạm này sẽ không bao giờ chấm dứt.
- Tất nhiên là phương án dùng xe nam châm nhặt đinh là ý kiến rất hay, tuy nhiên nếu phát hiện ra kẻ phạm tội thì những chi phí phát sinh do giám sát theo dõi, truy bắt sẽ bắt kẻ phạm tội phải chịu. Kể cả việc bán tài sản của chúng. Trong phương án dùng camera, nếu kẻ phạm tội rải đinh vào buổi tối hoặc chúng đeo mũ bảo hiểm, mặt nạ thì rất khó phát hiện.
- Nên thiết lập một đội đặc nhiệm hoặc cảnh sát cơ động (hoạt động phí lấy từ phí đường) thường xuyên đi tuần tra theo lịch ngẫu nhiên, không theo quy luật. Tuy nhiên chỉ có hiệu quả nếu xử lý mạnh tay khi đã bắt được tội phạm (như đã đề cập ở trên). Các nước phát triển cũng thường xử lý theo phương án này.
Xin chân thành cảm ơn.
Ng. Anh Dũng
Người gửi: tran quoc huy,
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: chống nạn rải đinh
Gửi ban biên tập,
Tôi cũng đồng tình với việc dùng xe chuyên dụng chống dải đinh trên đường cao tốc, nhưng tôi xin đưa ra một ý kiến sau thì sẽ triệt để chống được nạn rải đinh:
1- Nếu bắt được thủ phạm phải xử thật nặng.
2- Phân cấp quản lý cho chính quyền trên địa bàn, nếu phát hiện dải đinh thì:
a ) Chủ tịch xã đó phải bị cách chức
b) Trưởng công an phường xã đó cũng bị cách chức .
c) Biểu dương và khen thưởng bằng tiền cho người tố cáo thủ phạm rải đinh.
Nếu làm được như vậy tôi nghĩ mọi người sẽ có trách nhiệm trong việc chống rải đinh, và sẽ không còn kẻ dám rải đinh.
Xin cảm ơn
Người gửi: Phạm Minh Long,
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Nạn rải đinh
Theo tôi khi đặt vấn đề gì cũng phải nhìn nhận từ nhiều góc cạnh của cuộc sống. Bình thường có ai đi rải đinh trên đường không? hay lý do ở đây là do đói nghèo... Tuy nhiên không thể lấy đói nghèo để bao biện cho hành vi rải đinh, một hành vi có thể dẫn đến tai nạn chết người được.
Theo tôi, vấn đề này nên giao cho địa phương sở tại nơi có nạn rải đinh. Xác định nơi nào để xảy ra tình trạng rải đinh, lãnh đạo chính quyền trên địa bàn đó phải chịu trách nhiệm, vì theo tôi, người đi rải đinh khó có thể là người ngoài địa phương đến, hoặc nếu không có sự dễ dãi của chính quyền địa phương thậm chí thoả thuận...
Vậy cứ nên tóm kẻ có tóc, không ai tóm kẻ trọc đầu.
Vài thiển ý xin đóng góp. Có gì thiếu xót xin lượng thứ
Người gửi: Mạnh Quốc,
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Làm gì để chống lại nạn rải đinh trên đưòng cao tốc
Tôi xin chia sẻ sự bức xúc với các độc giả VnExpress về nạn rải đinh trên các quốc lộ hiện nay. Tôi nghĩ trong chúng ta không ai không phẫn nộ về hành động vô lương tâm này. Đây là một sự phá hoại có tổ chức, gây thiệt hại về mặt vật chất thì ít mà về mặt đạo đức, lương tri thì nhiều. Theo tôi đây thực sự là các tế bào ung thư của xã hội, phải sử lý dứt điểm.
Tôi cũng đã đọc các đề xuất về các biện pháp ngăn chặn, và cũng có lúc tôi đã nghĩ đến các giải pháp đó, nhưng sau nghĩ lại tôi thấy các biện pháp này không chữa được gốc bệnh mà chỉ hạn chế các biểu hiện của bệnh mà thôi. Ví như người bị bệnh ở gan có thể gây lở loét ngoài da, chữa hết lở loét nhưng bệnh ở gan thì vẫn không hết.
Thiết nghĩ không thể giải quyết dứt điểm được việc này nếu thực sự chính quyền, nhất là chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc không thực sự “xắn tay” vào cuộc. Không có lý gì mà chúng ta lại tỏ ra bất lực trước một hành động phá hoại xã hội một cách trắng trợn như thế. Công an ta đã phá được các vụ án kinh tế vô cùng phức tạp, vô đầu mối như thế không lẽ nào lại bó tay với một vụ, mà theo tôi số người liên quan, hay nôm na là các “đầu mối” của vụ án là không ít. Đó là những người vá xe bất chợt xuất hiện khi các lữ khách của chúng ta bị “trúng đạn”. Tôi nghĩ sau khi đã có trong tay một danh sách những người sống bằng nghề “vá xe lưu động” đó cùng các thông tin cá nhân của họ thì chỉ cần thêm một chút nghiệp vụ nữa thì việc “bóc gỡ” các tổ chức phá hoại này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nếu “đề án khả thi” về việc trang bị các thiết bị camera và xe chuyên dụng sẽ tốn của công quỹ nhiều tỷ đồng mà vẫn chưa “tiệt bệnh” thì tôi nghĩ chỉ cần khoảng một phần mười số tiền này cũng đủ làm tiền thưởng để động viên các chiến sĩ trinh sát, phá án của ta hoàn thành nhiệm vụ. Và họ rất xứng đáng được nhận. Khi họ đã vào việc, tôi tin chắc 100 phần trăm là sẽ “đại công cáo thành”.
Sau khi công việc của công an hoàn thành thì công việc tiếp theo sẽ là việc của Viện kiểm sát. Tôi không nghĩ Viện kiểm sát sẽ nhẹ tay với tội danh phá hoại xã hội một cách trắng trợn và có tổ chức này. Mức án “ấn tượng” sẽ là bài học “mở mắt” cho cả các “đồng nghiệp” của họ, những con người tội lỗi còn có ý định tiếp tục “hành nghề”. Điều đó giúp cho họ hiểu rằng nếu lương tâm họ không đủ thức tỉnh thì còn có ký cương, phép nước.