Năm 2013, trong nỗ lực nhằm nâng cao tỷ lệ tái chế và tái sử dụng thức ăn thừa làm phân ủ để hỗ trợ cuộc chiến chống lại hiện tượng Trái Đất nóng lên, Hội đồng thành phố Seattle (Mỹ) thông qua quyết định cho phép nhân viên thu dọn rác được kiểm tra và ghi lại những hộ dân nào trong thùng rác có quá 10% là rác tái chế và tái sử dụng được.
Quy định mới dự kiến có thể giúp 38.000 tấn thức ăn thừa không bị đổ phí, đồng thời ngăn mọi người ném bỏ thức ăn và đồ có thể tái chế vào thùng rác.
Theo đó, nhân viên vệ sinh được phép lập danh sách những hộ không tuân thủ quy định để phạt tiền. Mức phạt 10 USD với hộ gia đình đơn lẻ và 50 USD với hộ nhiều gia đình chung sống.
Tuy nhiên, quyết định của thành phố lại vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Seattle. Cho rằng bí mật đời tư của mình có nguy cơ bị xâm phạm, họ khởi kiện với sự trợ giúp của tổ chức pháp lý có tên “Quỹ pháp lý Thái Bình Dương”.
Nhóm đi kiện lập luận rằng: “Những thứ một người vứt đi vẫn thuộc sở hữu của người đó và vẫn cần được bảo vệ, dù người này có muốn nhanh chóng vứt bỏ tới mức nào đi nữa”. Ngoài ra, trong một vụ án hình sự vào 1990, Tòa án Tối cao Washington cũng từng có phán quyết quy định rằng lực lượng chấp pháp cần có lệnh khám xét mới được quyền lục thùng rác của nghi phạm để tìm bằng chứng.
“Người dân mong muốn rằng những thứ bên trong túi rác của mình sẽ được giữ kín bí mật, điều ấy là hoàn toàn chính đáng”, luật sư đại diện cho nhóm lập luận.
Trong khi đó, đại diện thành phố cho rằng quy định về thức ăn thừa và việc triển khai thực hiện quy định ấy là hoàn toàn hợp lệ vì theo nguyên tắc nhãn tiền (plain view doctrine – một nguyên tắc trong tố tụng hình sự), nhân viên dọn rác được phép nhìn lướt qua túi rác để tìm những đồ bị cấm.
Theo truyền thống áp dụng nguyên tắc nhãn tiền, khi nhân viên chấp pháp hoặc nhân viên chính phủ thâm nhập vào nơi chốn thuộc diện bí mật riêng tư được bảo vệ theo luật (ví dụ: nhà riêng) để thu thập chứng cứ, họ phải có căn cứ hợp lệ từ trước (ví dụ, trong nhà phát ra tiếng động lạ thu hút sự chú ý), phải vô ý phát hiện vật buộc tội (ví dụ, khẩu súng ở ngay trên bậu cửa) và phải lập tức nhận ra vật đó là hàng cấm. Bằng không, đó sẽ là sự xâm phạm vào quyền bí mật đời tư của chủ nhà.
Tương tự, nếu đồ ăn thừa hoặc giấy có thể dùng để ủ phân ở ngay trong tầm mắt, nhân viên vệ sinh hoàn toàn có thể trông thấy và được phép tiến hành xử lý chúng trong quá trình thu dọn rác thông thường.
Công việc kiểm tra và xác định thùng rác nào có chứa hơn 10% rác tái chế hoàn toàn có thể được thực hiện bằng mắt mà không cần lục lọi kĩ. “Chúng tôi chưa và sẽ không bao giờ khám xét túi rác của mọi người”, đại diện của thành phố khẳng định.
Ngoài ra, việc kiểm tra thùng rác còn là để đảm bảo an toàn cá nhân cho nhân viên dọn rác. Theo Latimes, đại diện thành phố chỉ ra rằng thu dọn rác là một trong 10 công việc nguy hiểm nhất trên cả nước Mỹ (số liệu của Cục Thống kê Lao động). Có nhân viên vệ sinh đã bắt gặp những túi nilon trong suốt có chứa máu người, quả lựu đạn thời Thế chiến II... Thậm chí một người đã tử vong sau khi bị phơi nhiễm hơi của axit clohydric còn dư trong bình đã vỡ trong quá trình ép rác thành khối.
Sau khi lắng nghe lập luận của hai bên, thẩm phán vụ việc đưa ra ý kiến: “Khi bỏ rác vào thùng, người dân đoán biết được rằng số rác ấy sẽ được nhân viên vệ sinh thu dọn và xử lý đúng cách; nhưng điều họ không mong đợi là nhà chức trách sẽ lục lọi bên trong thùng rác để tìm kiếm bằng chứng phạm tội và xâm phạm bí mật đời tư”.
Đại diện của thành phố dù khẳng định nhân viên vệ sinh chỉ dùng mắt để áng chừng 10% số rác trong thùng, nhưng lại không giải thích được làm thế nào người dọn rác có thể tính ra con số 10% trong khi không quan sát toàn bộ số rác trong thùng.
Seattle Times đưa tin, thẩm phán Tòa án tối cao Washington tuyên bố quyết định của thành phố là vi hiến và do đó vô hiệu.
Quốc Đạt