Chủ nhật, 12/1/2025
Chủ nhật, 3/5/2020, 02:08 (GMT+7)

Chinh phục núi tuyết trong Covid-19

NepalTháng 2, Trung Hiếu trekking núi tuyết Langtang và may mắn trở về nước trước khi Việt Nam hạn chế các chuyến bay quốc tế do dịch bệnh.

Cung Langtang có độ dài khoảng 140 km, đỉnh cao nhất Tsergo Ri với độ cao 4.948m. Trần Trung Hiếu, 30 tuổi, làm trưởng nhóm 4 người, trekking từ 28/1 đến 14/2, xuất phát từ Syabrubesi và kết thúc ở Dhunche (độ cao hơn 2.000 m).

Trong ảnh, cả nhóm đang trên đường đến Gosaikunda, một trong 108 hồ nước linh thiêng nằm ở độ cao 4.000 m thu hút hàng nghìn người hành hương Ấn Độ giáo và Phật giáo hàng năm.

Theo thần thoại Khuấy Biển Sữa trong Ấn Độ giáo, thần Shiva hút chất độc của rắn Vasuki sau phi phun vào nước biển. Để làm dịu mát cổ họng đang nóng rát vì thuốc độc, thần đến Himalaya cắm cây đinh ba vào một hòn đá và từ đó ba dòng suối tuôn trào ngay tức khắc. Thần tắm, uống nước đóng băng để giải cơn đau, dòng nước khi đó chảy ra tạo thành hồ Gosaikunda, ở phần thượng nguồn của dòng sông Trisuli. Tên gọi của con sông nghĩa là cây đinh ba.

Vừa xuất phát được 10 phút, nhóm của Hiếu phải trở lại vì gió quá lớn khiến mọi người bị hạ thân nhiệt.

Trên đường đến ngôi làng Langtang mới, ở độ cao tầm 3.000 m, nhóm của Hiếu gặp đài tưởng niệm dành cho những người đã mất trong trận động đất năm 2015. Thảm họa đã chôn vùi toàn bộ ngôi làng Langtang cũ với khoảng 300 du khách và người dân.

Vì câu chuyện này mà trước chuyến đi, một số người bạn của Hiếu khuyên anh không nên đi vào mùa đông. Mùa xuân sẽ thấy cung đường hoa nở. Tuy nhiên, anh cho rằng quyết định chinh phục đỉnh núi vào mùa đông là hoàn toàn đúng đắn, dù đây là lần đầu tiên trekking địa hình đồi núi hiểm trở như vậy vào mùa đông.

Dọc đường, cứ 2 - 4 km, mọi người dừng lại nghỉ ngơi uống trà trước khi tiếp tục hành trình.

Vì không hợp khẩu vị thức ăn Nepal, ai nấy trong nhóm đều mang theo nhiều đồ ăn như cá hộp, các loại hạt, bò khô để nạp thêm năng lượng cho bản thân. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình, hành trang không thể thiếu là balo trekking, giày chống thấm, túi ngủ, găng tay, tất, quần áo giữ nhiệt với mỗi lớp là chất liệu cũng như công dụng khác nhau, đèn pin, khăn quàng cổ, kinh mát chống tia UV, gậy và các loại thuốc chống say độ cao, tiêu chảy.

Làng Mundu, cách làng Langtang mới khoảng 15 km. Làng có khoảng 20 ngôi nhà, trong đó chỉ có 2 - 3 nhà còn người ở. Phần lớn đều đóng cửa vì dân làng xuống núi tránh đông.

Nhóm của Hiếu đến đây lúc 17h, khi hoàng hôn buông xuống những dãy núi. Ban đêm, cái lạnh ở Nepal rất khắc nghiệt, nhiệt độ có thể xuống dưới -10 độ C. Do nước đóng băng, cả nhóm không thể vệ sinh cá nhân. 

Một con bò yak thả rong. Ở Nepal, chúng được nuôi để lấy sữa và dùng sữa làm phô mai.

Người dân ở đây sử dụng la để vận chuyển nhu yếu phẩm, từ dưới chân núi lên những ngôi làng trên cao. Địa hình Nepal chiếm 64% là đồi núi, việc di chuyển của người dân sống ở độ cao từ 3.000 m vô cùng khó khăn, nhất là khi có gió mạnh hay bão tuyết.

Khuân vác hành lý cho du khách là công việc mưu sinh của những người đàn ông khỏe mạnh. Một người khuân vác (porter) có thể vác được từ 50 - 80 kg vật dụng nặng, cồng kềnh. 

Xem thêm: Những người hùng thầm lặng trên đỉnh Everest

Trong cuộc thám hiểm của mình, các thành viên luôn thích thú dừng chân chụp ảnh trên đường.

Đây là ngôi nhà đơn sơ của người dân sống trên vùng núi cao. Hầu hết mọi người dân mà anh nhìn thấy đều rất giản dị, dường như không bận tâm quá nhiều đến vật chất, anh nhận xét.

Vì đường trơn trượt, nhóm mất gần 1 tiếng để đến cây cầu treo dài khoảng 40 m dẫn vào làng Langtang mới. "Ở Nepal có rất nhiều cây cầu bắc qua vực núi, nhìn vậy nhưng rất chắc chắn", Hiếu nói.

Nằm ở phía bắc của thủ đô Kathmandu, làng Langtang mới, thuộc Vườn quốc gia Nepal, giáp với Tây Tạng, có trên dưới 50 ngôi nhà được sơn màu xanh nổi bật. Trong làng còn có một nhà máy chế biến phô mai. Rút kinh nghiệm từ ngôi làng cũ, người dân ở đây chọn vị trí cao hơn để xây nhà cũng như để trực thăng cứu hộ dễ dàng hơn.

Nếu du khách bị sốc độ cao sẽ được cứu hộ bằng trực thăng. Chi phí một lần 2.000 USD, hoặc 700 USD nếu có bảo hiểm. Với du khách Việt Nam có bảo hiểm trước đó, có thể chi trả 600.000 đồng.

Vào mùa đông, nếu không mặc đủ ấm, và không quen với độ cao, hàng ngày có khoảng 2-3 ca phải xuống núi, người dẫn đoàn cho nhóm Hiếu chia sẻ.

Cung Langtang thuộc cụm núi tuyết Everest đa dạng cảnh quan từ rừng nguyên sinh đến núi tuyết bao phủ. Với Hiếu (ngoài cùng bên phải) và các thành viên, điều tuyệt vời nhất chính là cảm giác chiến thắng được bản thân sau những trải nghiệm chưa bao giờ có trong đời. Anh mong muốn quay lại đất nước này vào một ngày không xa, trên một cung đường khác.

Thanh Thu

Ảnh: Trần Trung Hiếu

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net