Thứ bảy, 19/10/2024
Thứ bảy, 19/10/2024, 09:18 (GMT+7)

Chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù sau mưa lũ

Yên BáiĐầu tháng 10, đỉnh Tà Chì Nhù vào mùa đẹp, đường đi an toàn, hoa chi pâu nở tím dọc đường và thời tiết mát mẻ.

Tà Chì Nhù nằm ở độ cao 2.979 m so với mực nước biển, là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. Tà Chì Nhù cách Hà Nội khoảng 250 km, khí hậu mát mẻ quanh năm, nổi tiếng là điểm săn mây đẹp, ngắm các loài hoa rừng.

Trên ảnh là đỉnh Tà Chì Nhù vào thời điểm hoàng hôn.

Thảo Nhi (trái), đến từ Quảng Ninh và Phương Thảo, du khách Hà Nội, đều 30 tuổi, leo đỉnh Tà Chì Nhù hôm 12/10 và 13/10. Nhi cho hay chọn trekking tháng 10 vì thời tiết đẹp, không nắng gắt và cũng chưa lạnh.

Sau khi bị ảnh hưởng bởi mưa lũ bão Yagi, đường lên Tà Chì Nhù nay đã thuận tiện. Nhóm của Thảo Nhi di chuyển theo tuyến Hà Nội - Trạm Tấu. Thông thường ở Tà Chì Nhù, từ tháng 9, du khách bắt đầu thực hiện các chuyến săn mây và ngắm hoa chi pâu phủ tím khắp đỉnh núi. Năm nay, đến tháng 10 các đoàn khách mới đến nhiều vì còn ''nghe ngóng'' thời tiết.

Địa hình đồi núi không thích hợp đi một mình, du khách nên đăng ký với các đơn vị tổ chức tour, hoặc đi cùng người có kinh nghiệm hay porter. Cách này vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp du khách bớt phải mang vác, chuẩn bị đồ ăn trên núi.

Khi theo đoàn, tour guide sẽ liên lạc với người dân địa phương để cập nhật thời tiết nhằm đảm bảo an toàn đồng thời liên hệ porter, thuê lán trại, lo ăn uống, mua bảo hiểm du lịch, cung cấp gậy leo núi, đèn pin cho du khách.

Sau khi đến Trạm Tấu, du khách di chuyển tiếp khoảng 15 km (có thể đi bằng ôtô, xe máy) để đến khu vực mỏ chì ở độ cao 1.200 m, cũng là nơi xuất phát của cung trekking từ hướng Trạm Tấu. Từ đây, du khách sẽ đi bộ lên lán nghỉ qua đêm ở độ cao 2.400 m với quãng đường gần 6 km.

Nếu khỏe, du khách đi tiếp thêm 3 km lên đỉnh để ngắm hoàng hôn, nếu không, ở lại lán dưỡng sức cho chặng leo ngắm bình minh vào hôm sau. Tốt nhất, nên có mặt ở lán nghỉ trước khoảng 17h để nghỉ ngơi, ăn uống cũng như tránh phải di chuyển trong điều kiện trời tối.

Dịp cuối tuần 12-13/10 rất nhiều đoàn chinh phục Tà Chì Nhù do thời tiết đẹp. Nhi cho hay lúc xuất phát từ lán 4h để lên đỉnh, "nhìn lại phía sau cả đoàn người nối đuôi nhau".

"Đông người trekking ưu điểm là dọc đường có thể có thêm những người bạn mới, có thêm động lực để leo, bớt sợ. Nhược điểm là khi lên đến đỉnh núi sẽ rất khó để có một tấm hình như ý với cột mốc trên đỉnh", Nhi cho hay.

Đường từ lán lên vị trí mốc "Tà Chì Nhù 2.979 m" địa hình khó hơn do chủ yếu là dốc núi dựng đứng, nhiều đá. Để kịp đón bình minh trên đỉnh, du khách nên bắt đầu di chuyển từ khoảng 4h. Hành lý nên để bớt lại lán, chỉ mang theo máy ảnh, máy quay. Thỉnh thoảng du khách có thể bắt gặp một vài con ngựa, trâu, dê mà người dân địa phương thả rông.

Đoàn của Thảo và Nhi gần như "không có một bức hình nào đúng ý" với đủ thành viên nhóm tại cột mốc vì đông. Mọi người thường tự chụp chiếc huy chương ghi nhận thành tích hoặc selfie trước cột mốc.

Nhưng "trekking là cả hành trình chứ không chỉ đơn thuần là điểm đến" nên dù không có ảnh mọi người đều hân hoan với trải nghiệm của bản thân. "Chinh phục Tà Chì Nhù không dễ nhưng bù lại khi lên đến đỉnh sẽ thấy mọi công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng", Phương Thảo nói thêm.

Đến khoảng 7h, hầu hết những người leo đã xuống núi nên trên đỉnh khá vắng. Nếu nhất định phải chụp ảnh với cột mốc, du khách nên chọn thời điểm này. Trên đỉnh trời trong xanh và nắng đẹp, nhưng cũng có lúc mây mù xuất hiện.

Sau khi chinh phục đỉnh, du khách quay trở lại lán nghỉ ngơi, ăn uống, thu dọn hành lý để xuống núi, trở về điểm xuất phát. Thời gian xuống núi nhanh và đỡ mất sức hơn. Tuy nhiên, với nhiều người, chặng xuống cũng mệt mỏi vì đã mất sức leo từ ngày hôm trước.

Khi hoàn thành cung trekking, trên đường trở về, du khách có thể ghé suối khoáng nóng Trạm Tấu thư giãn.

Để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, điều đầu tiên cần lưu ý là thể lực. Bạn có thể rèn luyện sức bền với các bộ môn như chạy bộ, đi bộ, lên xuống cầu thang, bơi, đạp xe, tập cardio khoảng một tháng trước khi xuất phát.

"Địa hình đồi núi với nhiều dốc cao dựng đứng kéo dài 16 km nên nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khoẻ, sức bền, sẽ khó lòng chinh phục được đỉnh núi", Phương Thảo nói.

Tiếp đến là theo dõi thời tiết. Địa hình đồi núi dễ sạt lở, du khách cần theo dõi kỹ trước khi bắt đầu hành trình. Nên tham khảo ý kiến của người dẫn đường, dân địa phương. Nếu trời nắng to, khi leo khá vất vả, còn trời mưa sẽ không đảm bảo an toàn.

Ngay cả khi đi theo tour đã có sự chuẩn bị đồ ăn nhẹ, du khách vẫn nên mang theo nước uống, đồ ăn bên người như gel năng lượng, lương khô, thanh ngũ cốc, trà gừng hay kẹo gừng để kịp thời tiếp sức hoặc sinh tồn trong trường hợp bị lạc. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo một vài loại thuốc cơ bản, dầu gió, miếng dán chân.

Khi trekking đường dài, một đôi giày có đế tạo độ bám tốt sẽ đảm bảo di chuyển an toàn, không nên đi giày thể thao chạy đường nhựa thông thường do dễ trơn trượt. Bạn cũng nên mua giày rộng hơn cỡ chân khoảng 1-2 size để giảm bớt áp lực cho mũi chân. Ba lô nên sử dụng loại chống nước, có đệm đỡ lưng, đai nịt trước ngực nhằm giảm bớt trọng lượng.

Thời tiết trên núi sẽ khá lạnh vào đêm và sáng sớm nên hãy mang theo áo gió, áo giữ nhiệt, mũ len, quần dài bo gấu, có độ co giãn tốt để di chuyển đường dài được thoải mái, tránh côn trùng.

Trên ảnh, hoa chi pâu nở rộ dọc đường đi.

Để săn được mây, đôi khi phụ thuộc vào may mắn. Không có khung giờ nhất định nào để săn được mây, mỗi khoảnh khắc trên đường đều có những trải nghiệm, vẻ đẹp riêng.

"Đôi khi chỉ cách nhau vài phút, có người được ngắm cả biển mây, có người chỉ thấy bầu trời mù mịt", Phương Thảo nói.

Thảo Nhi - Tâm Anh
Ảnh: Thảo Nhi - Lê Thành

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net