Trong chuyến đi tình nguyện những ngày đầu tháng 9 se lạnh của mùa thu, với mong muốn được trải nghiệm và học hỏi, tôi tìm đến xưởng mộc của anh Lê Hồng Sơn. Dù lần đầu tiên gặp anh, nhưng tôi có cảm giác rất gần gũi. Có lẽ cùng hoàn cảnh nên chúng tôi dễ đồng cảm và chia sẻ những nỗi niềm tâm tư.
Anh Lê Hồng Sơn sinh năm 1979 trong một gia đình nghèo ở làng quê Hương Khê - Hà Tĩnh. Không may mắn như bao đứa trẻ khác ngay từ khi lọt lòng cậu bé Sơn đã có một thân hình không hoàn chỉnh như nhưng người khác. Tứ chi co quắt các ngón tay và chân dính chặt vào nhau, càng lớn đôi tay của anh bị teo dần không có khả năng cử động. Tuổi thơ của anh không có những ước mơ như các bạn cùng trang lứa. Ước mơ một lần cắp sách tới trường như bao bạn bè cũng trở thành xa xôi. Mãi khi lên 9 tuổi, anh mới có điều kiện cắp sách tới trường. Cũng từ ngày đó dù nắng hay mưa, Sơn vẫn chăm chỉ gắng sức học tập. Lê Hồng Sơn nhớ lại: "Để viết được chữ, tôi phải kiên nhẫn tìm cách để cặp bút vào chân tập viết. Lúc đầu rất khó viết và chữ xấu, nhưng tập dần dần rồi chữ cũng tròn đẹp hơn...”. Sang cấp 3 vì trường cách nhà quá xa và sức khỏe không cho phép, việc học tập của Sơn phải dừng lại.
Sinh hoạt cá nhân từ việc nhỏ đến lớn đều phải có người giúp, khiến anh lại càng thêm đắng lòng. Một cái gì đó khát khao trong anh được học nghề, được làm việc bừng cháy. Điều đó thôi thúc động lực hành trình đòi lại quyền được làm người có ích như bao người khác trong anh. Hàng ngày, Sơn đến xưởng mộc cứ ngồi dán mắt vào từng đường bào, nhát đục của thợ thuyền rồi về nhà tự mày mò làm theo. Nhưng làm sao được khi tay chân tật nguyền. Thế là chiếc cưa được Sơn buộc thêm sợi dây thừng, chiếc dùi được nối thêm cán, chiếc đục đổi bằng cán gỗ. Nhiều khi đang làm bị cán đục dúi thẳng vào chân chảy máu, trầy xước khắp người. Sản phẩm làm ra cứ méo mó, góc cạnh không bằng ai. Nhưng Sơn không chịu đầu hàng cứ lao vào làm tiếp bằng tất cả niềm đam mê.
Những sản phẩm được Sơn làm ra ngày một nhiều phong phú đẹp hơn như lư hương, chiếc đòn, mâm chè, thước kẻ… Dần dần anh nghỉ mình có thể làm được nghề mộc. Năm 1991 huyện đoàn Hương Khê Tổ chức hội thi khéo tay và Lê Hồng Sơn được giải nhất với sản phẩm là ống cáp hương. Đến năm 1992, Sơn được cử đi hội nghị trẻ em nghèo vượt khó tổ chức ở Hà Nội. Tại đây anh cũng được dự thi nghề mộc và giành được giải nhất. Năm 1994, anh quyết định đi học nghề ở trung tâm xúc tiến việc làm Hà Tĩnh. Sau một thời gian học nghề, Sơn đã thành thạo nghề mộc và được cán bộ trung tâm giao cho nhiệm vụ hướng dẫn các bạn mới vào trung tâm.
Mang trên mình cơ thể không lành lăn, anh Lê Hồng Sơn như thấu hiểu nổi khổ của những NKT. Khi nói về họ anh Sơn cho biết những người khuyết tật thường sống dựa vào gia đình. Rất khó tìm được việc làm phù hợp với bản thân mình, nên từ lâu trong anh có một ước muốn, chia sẻ nổi khổ với những người cùng hoàn cảnh, để họ tự nuôi sống bản thân. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện. Tháng 6/2008, anh Sơn đã vay vốn ngân hàng chính sách cùng với sự giúp đỡ của các nhà hoản tâm, mở doanh nghiệp tư nhân Mạnh Dũng - mang tên hai cậu con trai đầu lòng .Với số vốn ban đầu bỏ ra hơn 40 triệu đồng, anh mua sắm máy móc, dụng cụ, xây dựng nhà xưởng gần 100m2, chia làm 2 gian để dạy nghề mộc dân dụng cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trong vùng.
Các sản phẩm bằng gỗ từ giản đơn cho đến cao cấp, khách hàng từ doanh nghiệp đến các cơ quan trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp của Mạnh Dũng đã đào tạo cho hơn 100 người có việc làm ổn định tại cái xưởng mộc tư nhân. Hiện tại đang có 10 NKT có tay nghề được anh Sơn giữ lại làm việc. Anh Đương Định Nghị ngồi trên xe lăn rưng rưng “Tôi làm ở đây đã được gần 4 năm rồi, trước đây tôi chưa biết nghề mộc nhờ có anh Sơn gọi về chỉ dạy giờ tôi đã thành tạo nghề, thu nhập anh Sơn trả lương cho tôi một tháng 3 triệu đồng".
Trong những tấm bằng khen của anh được treo cẩn thận trên tường nhà. Đáng chú ý là lá thư động viên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 1998, được anh phóng to treo ở xưởng mộc như muốn truyền thêm nghị lực cho mọi người. Khi tôi hỏi: "Sao anh không kiếm một nghề dễ hơn để theo đuổi? Sao anh lại chọn nghề mộc rất khó lại đòi hỏi kỹ thuật và sức mạnh này?". Anh cười và bộc bạch “Vì mình yêu và đam mê với nghề mộc từ nhỏ, nên càng khó mình càng quyết tâm làm bằng được”.
Tôi không thể cầm được nước mắt khi nhìn anh Sơn một người nhỏ bé chưa đầy 35kg với hai bàn tay xôi xuống, đôi chân tàn tật đang cầm chặn cây bút trong chân viết dự án cho doanh nghiệp, để làm từ những cái tủ tường từ giản đơn cho đến các hàng bằng ngỗ cao cấp.
Là người có số phận như anh, tôi cũng có nhiều nghị lực và ước mơ. Nhưng để làm được những việc phí thường như anh thì tôi phải cố gắng rất nhiều. Chứng kiến cuộc sống và vươn lên hoàn cảnh Lê Hồng Sơn trong tôi như có thêm nhiều động lực để bước tiếp vậy. Lê Hồng Sơn là tấm gương sáng - một Nick Vujcic của Việt Nam. Chính anh đã thắp lên ngọn lửa niềm tin yêu cuộc sống cho tôi và người khuyết tật khác.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Lê Thái Bình