Phạm Quang Tuân (24 tuổi, quê Quảng Trị) là người thích dịch chuyển không chỉ để học hỏi, khám phá chính mình mà còn trải nghiệm nhiều điều lạ ở những vùng đất mới. Đầu năm 2014, Tuân quyết định bỏ công việc marketing online và bắt đầu hành trình đi tìm bản thân bằng những cung đường. Trong đó, đáng nhớ nhất phải kể đến chuyến off-road đầu tiên vào tháng 7 đến Thác Mai.
Off-road là khái niệm không còn xa lạ với các phượt thủ khi họ luôn được thử thách bản thân vượt qua những con đường nguy hiểm và gian nan. Đó là những cung đường hẹp, khó đi, hiểm trở, mưa xuống trơn trượt, bùn lầy nhão nhoét, đôi khi lại đầy đá hộc, đá dăm lởm chởm...
9h sáng ngày 5/7, nhóm của Tuân gồm 11 người xuất phát từ chợ Thủ Đức (TP HCM) đi Thác Mai (Đồng Nai). Sau 30 phút, cả nhóm đã rẽ tới Bửu Long - con đường đi thủy điện Trị An. Từ đây hai bên chỉ còn lác đác nhà dân, con đường mở ra tuyệt đẹp với phong cảnh ngợp những màu xanh của cây cỏ, mây trời và hồ thủy điện rộng mênh mang.
Nhà máy thủy điện Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nằm cách TP HCM 65 km về phía đông bắc. Phong cảnh trên đường đi bên hồ thủy điện Trị An thoáng đãng vô cùng, làm cả nhóm phải dừng xe chụp ảnh và tranh thủ thưởng thức sự khoan khoái hiếm có này.
Hành trình tiếp tục bằng đoạn đường đất đỏ của rừng Mã Đà. Vẫn chưa có gì là khó khăn mà ngược lại con đường đi vào xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu ngày một đẹp hơn. Đoàn xe lăn bánh không một trở ngại. Tuân chia sẻ: “Đây là đoạn đường đẹp nhất trong hành trình, thẳng tắp như một dải lụa. Hai bên đường là rừng và hầu như không có lấy một căn nhà nào”.
Phần thú vị nhất trong chuyến off-road đầu tiên của Tuân nằm ở chặng tiếp theo: xuyên rừng Lý Lịch trên đường đất đỏ lầy lội. Khi cả đoàn bắt đầu đi vào rừng trời nắng ráo khá thuận lợi khiến mọi người hơi thất vọng. Tuy nhiên, hậu quả của những cơn mưa nhiều ngày trước đó cũng đủ khiến đoàn của Tuân chật vật vượt qua. Tuân giải thích: "Off-road càng khó khăn thì càng có sức hút, đi đường lầy trời mưa mới "đã".
Đối với Tuân, giây phút vui nhất là khi mọi người cùng hò nhau kéo xe máy ra khỏi vũng lầy, hay trêu ghẹo khi xe trước vượt qua được mà xe sau đang loay hoay trong bùn trũng. Không những vậy, mọi người trong đoàn còn "cổ vũ"… ngã xe để ghi lại khoảnh khắc “có một không hai”.
Cũng vì vừa chụp hình, vừa đi xe qua vũng lầy mà Tuân bị ngã một cú khá ngoạn mục làm cả đoàn cười không ngớt. Mặc dù lần đầu được đi chung nhưng Tuân cảm giác mọi người như thân nhau từ rất lâu, không còn một khoảng cách xa lạ nào khi cả nam và nữ cùng xúm vào đẩy xe. Ai cũng bị lấm lem từ trên xuống dưới. Quần áo giầy dép sạch sẽ giờ đã được phủ một lớp bùn ướt nhẹp nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ làm tan hết mệt mỏi.
Sau giờ phút nhọc nhằn mà vui sướng của đoạn đường lầy rừng Lý Lịch, cả đoàn dừng chân bên một quán tạp hóa nhỏ ở Thanh Sơn để ăn và nghỉ trưa. Chỉ vỏn vẹn có cơm nắm, cá khô và ít thịt… mà bữa ăn trở nên ngon lạ. Hai giờ chiều đoàn lên xe đi Định Quán và phải qua phà 124. Tiện ở đây có nhiều bè nuôi cá nên nhóm mua thêm hai con làm nguyên liệu cho bữa tối ở Thác Mai.
Đường dẫn vào Thác Mai khá rậm rạp vì chỉ có rừng với lối mòn rải toàn đá sỏi. Sau khi cán đích Thác Mai, một bữa tối thịnh soạn được tổ chức gồm gà, cá nướng và rượu nếp. Sáng hôm sau, nhóm Tuân kết thúc hành trình bằng việc ngâm nước nóng ở Bàu Nước Sôi thỏa thích trước khi trở về Sài Gòn. Với mục đích là trải nghiệm những cung đường, Tuân và bạn bè đã có được rất nhiều kỷ niệm khó quên, từ những cú ngã nhớ đời, những trận cười sảng khoái cho đến bữa cơm nắm thân tình giữa rừng Lý Lịch.
Hương Chi
Ảnh: Nhân vật cung cấp