Bài thi viết nói chung luôn đòi hỏi nền tảng tiếng Anh tốt, ngữ pháp chắc chắn, từ vựng phong phú, nhưng với IELTS thì thách thức còn lớn hơn khi phải đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí học thuật gồm: Task Achievement (đúng đề đủ ý), Coherence and Cohesion (gắn kết và mạch lạc), Lexical Resources (vốn từ phong phú), Grammatical Range and Accuracy (ngữ pháp chính xác và phong phú).
Trong một số trường hợp, bài thi viết IELTS đã ra những đề thi rất "khó nhằn", là thách thức với nhiều sĩ tử. Bài thi vào tháng 12/2020, phần 1 đề thi viết có câu hỏi như sau:
WRITING TASK 1
You should spend 20 minutes on this task (Bạn nên dành 20 phút cho bài viết này).
The diagrams below show the development of cutting tools in the stone age. One was made 1.4 million years ago, and the other was made 800 thousand years ago. (Những bức tranh dưới đây cho thấy sự phát triển của công cụ để cắt ở trong thời kỳ đồ đá. Một cái được làm từ 1,4 triệu năm về trước, và cái còn lại được làm cách đây 800 nghìn năm).
Summarise the information by selecting and reporting the main features, and make comparisons where relevant (Hãy tóm tắt thông tin đã cho bằng cách lựa chọn và báo cáo những đặc điểm chủ yếu, và so sánh các thông tin phù hợp).
Write at least 150 words (Viết tối thiểu 150 từ).
Và sau đó bạn sẽ được xem hai bức tranh như ở dưới đây:
Hãy tưởng tượng gặp phải một đề bài văn như vậy và chỉ cần viết bằng tiếng Việt để miêu tả hai cái công cụ lao động bằng đá ở trong các bức tranh trên trong 20 phút, liệu bạn có dễ dàng viết được tối thiểu 150 từ (khoảng một trang giấy A4 viết tay) với đầy đủ mở bài, thân bài với các ý tưởng logic, giải thích thông tin? Rõ ràng với đề bài cho thông tin khá ít, lại đòi hỏi người viết phải có kiến thức nền tảng thì để có một bài viết đạt điểm cao là không đơn giản.
Vậy mà các sĩ tử làm bài thi IELTS sẽ phải đối mặt với những câu hỏi tương tự như trên, nhưng phải viết bằng tiếng Anh với văn phong học thuật. Làm cách nào để người luyện thi IELTS có thể có ý tưởng và viết được bài viết này không chỉ là đạt yêu cầu mà còn phải đạt điểm cao?
Với kinh nghiệm dạy IELTS nhiều năm, xin chia sẻ phương pháp cơ bản để sĩ tử IELTS không còn thấy bài viết này và các bài tương tự là thử thách quá sức nữa.
Bài thi viết IELTS có hai phần, câu hỏi các bạn vừa xem là phần 1, chiếm 1/3 số điểm của bài thi Viết IELTS. Với dạng bài này, trong quá trình ôn tập các bạn làm theo các bước như sau:
Bước 1: Luyện tập tư duy phân tích dữ liệu nhiều lần để không bất ngờ
Thông thường việc luyện tập phân tích các loại dữ liệu một cách kỹ lưỡng sẽ cho bạn phương pháp tư duy và năng lực đọc dữ liệu nhất định. Nếu bạn thực sự chuẩn bị kỹ, được luyện tập đầy đủ, thì những bài có dữ liệu kiểu hiếm gặp như trên cũng không phải là thách thức lớn. Do đó, bạn hãy bình tĩnh đón nhận đề bài và tập trung đọc, phân tích dữ liệu đề cho thật cẩn thận. Mọi lo lắng sẽ chỉ làm bạn mất đi những giây phút quý giá mà thôi.
Bài thi Viết phần 1 (IELTS Writing Task 1) thường có các dạng bài gồm phân tích bộ số liệu (biểu đồ, bảng số liệu), phân tích bản đồ, và phân tích quy trình hoặc một quá trình nhất định. Ngoài ra, còn một dạng hiếm gặp chính là bài phân tích và miêu tả sự vật cụ thể (describing objects) như ở đề trên. Vì một trong những mục tiêu quan trọng của bài thi Viết IELTS là để đánh giá năng lực phân tích dữ liệu của người sử dụng tiếng Anh trong môi trường học tập nghiên cứu ở bậc đại học hoặc cao hơn, nên bạn cần xác định rằng việc gặp những dữ liệu rắc rối, đòi hỏi mất thời gian phân tích là điều rất bình thường trong IELTS.
Tốt nhất là bạn chấp nhận nó như một thực tế và sưu tầm thật nhiều đề thi IELTS với tất cả dạng của nó để tập phân tích thông tin. Quá trình luyện tập này sẽ vừa giúp bạn có kỹ năng đọc hiểu dữ liệu nhanh và đúng, vừa giúp bạn mở rộng vốn từ tiếng Anh, vốn rất cần thiết cho tương lai sử dụng tiếng Anh thực tế của bạn.
Chú ý: Dữ liệu trong bài thi IELTS không bao giờ quá khó, bạn luyện tập phân tích nhiều lần rồi sẽ quen và cuối cùng là làm chủ được vấn đề này. Những giáo viên IELTS dày dặn kinh nghiệm thường sưu tầm đầy đủ các loại bài tập với các dạng dữ liệu phức tạp để giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc dữ liệu một cách chính xác và nhanh chóng.
Bước 2: Phân tích và khai thác dữ liệu để đưa vào bài viết
Khi có dữ liệu, bạn cần khai thác hết tất cả mọi thông tin được cung cấp. Như ở hai bức tranh trên thì bạn có thể thấy công cụ A có thông tin mà bạn không thể bỏ lỡ khi phân tích như niên đại là 1,4 triệu năm, chiều dài ước đoán 8 cm, rồi các mặt trước, mặt sau, và mặt bên được ghi chú cụ thể, và ở đó bạn có thể miêu tả những gì quan sát được. Dĩ nhiên bạn cần rèn luyện để có thể miêu tả tối đa những gì bạn thấy với tất cả vốn từ, vốn câu.
Với tư duy như vậy, bạn chuyển sang miêu tả bức tranh thứ hai, tức là công cụ B với cách tiếp cận giống như phần miêu tả công cụ A. Nhưng bạn phải chú ý là trong mọi bài thi viết IELTS không bao giờ miêu tả bức tranh thứ hai giống y hệt như cách bạn tả bức tranh thứ nhất mà cần tập trung vào sự so sánh. Rõ ràng là việc tập trung vào so sánh thay vì miêu tả thuần túy sẽ giúp cho ngôn ngữ, cấu trúc câu thay đổi, khả năng kết nối ý tưởng sẽ logic, phát triển hơn nhiều.
Ví dụ với bức tranh đã cho thì vật dụng B rõ ràng là có kích thước lớn hơn vì ta có thể căn cứ vào cái thước đo 5 cm trong tranh để kết luận, niên đại thì ngắn hơn rất nhiều (800 nghìn năm so với 1,4 triệu năm) và quan trọng hơn là độ tinh xảo của công cụ B là cao hơn, thể hiện trình độ chế tác tinh vi hơn. Dĩ nhiên đến đây thì năng lực tiếng Anh để miêu tả đồ vật của bạn sẽ có vai trò quyết định. Nếu bạn không dùng được những từ khó, sắc sảo thì nên tập trung vào những gì có thể tả rõ ràng mà chắc chắn đúng, phù hợp với vốn tiếng Anh của bạn.
Chú ý: Vốn từ vựng sẽ là nhân tố quyết định sự tự tin của bạn thể hiện trong các bài viết (và cả bài nói). Chính vì thế, mỗi khi làm bài đọc, học bài nghe... bạn đừng bao giờ học từ vựng kiểu đại khái, qua loa. Hãy học toàn bộ những từ mới, cụm từ hay mà bạn gặp, chúng sẽ là vốn quý cho bạn "khoe" tiếng Anh trong bài IELTS.
Bước 3: Tập viết bài theo cấu trúc của các chuyên gia IELTS khuyên dùng
IELTS là bài thi chuẩn hóa, tức là mọi thứ trong bài thi đều được quy định một cách chi tiết, dĩ nhiên là cả tiêu chí cụ thể đối với bài viết. Chính vì thế các chuyên gia và giáo viên luyện IELTS lâu năm đã đúc rút được cấu trúc bài viết cho từng loại câu hỏi để vừa giúp người luyện thi dễ học, dễ nhớ, và khi thi thì được điểm cao tối đa, hoặc chí ít là không mất điểm vì những lỗi không đáng có.
Có thể bạn sẽ than phiền rằng việc học viết bài theo cấu trúc cố định sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo của bạn. Nhưng với kinh nghiệm gần 20 năm học, dạy và làm việc bằng tiếng Anh, tôi nói thật với các bạn rằng văn phong tiếng Việt của chúng ta quá nhiều khác biệt với văn phong tiếng Anh, bạn càng cố gắng sáng tạo với bài viết thì người chấm càng không hiểu bạn viết gì. Do đó, trước khi sáng tạo hiệu quả, bạn hãy viết đúng yêu cầu trước. Và đây là cấu trúc bài viết cho bài viết 1 được nhiều chuyên gia khảo thí IELTS đánh giá cao nhất:
Bài viết được chia thành ba đoạn, với một đoạn mở bài và hai đoạn thân bài. Loại bài viết 1 (writing task 1) này không cần viết đoạn kết luận vì không hỏi đến ý kiến cá nhân của bạn mà chỉ yêu cầu báo cáo thông tin mà quan sát được. Cụ thể từng đoạn bạn viết như sau:
Đoạn mở đầu: Viết 2 câu tổng quan
Câu số 1: Viết lại câu yêu cầu của đề bài, nhưng theo ngôn từ của bạn và giữ nguyên ý gốc. Đây gọi là kỹ thuật "Paraphrasing". Việc viết lại câu hỏi này nhằm thể hiện bạn hiểu đề bài, bài viết của bạn sẽ trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.
Thông thường giáo viên giàu kinh nghiệm sẽ cung cấp cho học viên nhiều mẫu câu, cụm từ và từ vựng có thể thay đổi cho nhau một cách hiệu quả, thậm chí còn giúp người học viết một câu mới hay hơn câu gốc trong đề bài đã cho. Trước mắt, bạn nên sưu tầm tài liệu về cách viết lại câu, học nhiều từ đồng nghĩa và trái nghĩa để có thể thay đổi từ vựng trong câu văn của bạn cũng đã là hiệu quả rồi.
Câu số 2: Viết câu tóm tắt tổng quan cho dữ liệu mà bạn quan sát được. Câu này rất quan trọng, vì trả lời trực tiếp cho câu hỏi của bài viết là: "Summarise the information by selecting and reporting the main features, and make comparisons where relevant". Không có câu tổng quan này thì bài viết của bạn rất khó đạt được trên điểm 6, vì căn bản là bạn đã không trả lời câu hỏi mà đề bài đưa ra.
Các thầy giáo kinh nghiệm thường sẽ cho bạn mẫu câu cụ thể để viết câu tổng quan, nhưng trong trường hợp bạn tự học thì hãy tập chọn thông tin thay đổi nổi bật nhất của nhóm dữ liệu thứ hai so với nhóm dữ liệu ban đầu, hoặc bức tranh thứ hai so với bức tranh thứ nhất để miêu tả. Chú ý là bạn tuyệt đối không được viết số liệu cụ thể vào câu tổng quan này.
Thân bài: Viết hai đoạn văn
Đoạn thân bài 1: Viết miêu tả cụm dữ liệu thứ nhất. Như đề đã cho trong bài này thì cụm thông tin đó chính là bức tranh thứ nhất, miêu tả vật dụng bằng đá A. Bạn cần viết được tối thiểu 3 câu văn cho phần này thì mới đảm bảo đạt tổng số 150 từ vựng cho toàn bài. Với bài này thì đoạn văn thứ nhất chỉ nên tập trung vào miêu tả những gì mà bạn quan sát được ở công cụ A. Còn khi luyện tập cho bài Viết phần 1 nói chung, bạn cần luyện viết từ 4 đến 5 câu văn cho đoạn thân bài thứ nhất này, trong đó có một câu chủ đề nhằm miêu tả ý lớn nhất, sau đó là các câu miêu tả chi tiết.
Vấn đề thường gặp là thí sinh sẽ cảm thấy bí ý khi viết. Nhưng nếu bạn được rèn luyện tốt thì ý sẽ không phải là vấn đề, thầy giáo giỏi sẽ dạy bạn nhiều cách tiếp cận thông tin, nên ý tưởng sẽ nảy ra nhanh thôi. Vấn đề chính lại là từ vựng của bạn có theo kịp ý mà bạn nghĩ ra hay không, và cấu trúc câu có đủ độ sắc sảo, tự nhiên mà chính xác hay không. Mà vốn từ và vốn câu là do cá nhân người học chịu khó tích lũy một cách tích cực và chủ động, giáo viên chỉ có thể định hướng và cung cấp tài liệu thôi.
Đoạn thân bài thứ 2: Viết miêu tả cụm dữ liệu thứ hai. Theo như đề bài này thì cụm dữ liệu thứ hai chính là bức tranh về công cụ B. Như tôi đã phân tích ở trên, để vừa đáp ứng yêu cầu bài thi, vừa "phô diễn" được hết vốn tiếng Anh mà bạn có, ở phần này bạn nên viết tập trung vào sự thay đổi, sự khác nhau của bức tranh thứ 2 so với bức tranh thứ nhất chứ không lặp lại việc mô tả như ở đoạn 1 nữa.
Và bạn cũng nên tập viết từ 4 đến 5 câu đối với đoạn 2. Còn những người ở trình độ thật sự thành thạo tiếng Anh thì sẽ có xu hướng viết sao cho tinh, cho gọn, nhưng lại sắc sảo và đủ ý. Điều này rõ ràng là yêu cầu khó đối với người mới luyện viết IELTS, nhưng lại là mục tiêu vươn tới đối với những người muốn đạt điểm cao, ví dụ điểm 8 trở lên.
Vì mục đích của bài viết này chỉ chia sẻ về một đề thi IELTS khá thú vị từng ra, thông qua đó chia sẻ thêm với sĩ tử luyện thi IELTS những bước rèn luyện cơ bản ban đầu cho kỹ năng viết phần 1, nên không thể đi sâu phân tích kỹ thuật và từng câu nên viết như thế nào. Bạn hãy tham khảo bài viết mẫu ở dưới đây để rút ra thêm những thông tin, kiến thức hữu ích cho quá trình luyện IELTS.
Sample writing
The provided pictures explain the evolution of cutting tools dating from the Stone Age, and these images represent tools from (roughly) 1.4 million years ago and 0.8 million years ago. A quick glance at the images from Tool A and Tool B shows a clear indication of significant refinements during that 600,000 year period.
In the examples given in Tool A, or 1.4 million years ago, the rudimentary design of each view reveals a lack of precision and skill. In the front view of the cutting tool, there are many jagged sections; the stone is almost 8 centimeters in length and close to 5 centimeters at its widest section near the bottom. A side view reveals a much thinner stone, giving the impression that the front and back sides of the stone have been left in a more natural state, while the side view indicates inclusions that might signal ancient man’s attempt at sharpening the stone.
600,000 years later, the examples given in the images from Tool B show clear progress in creating a more dynamic cutting tool. The tip of this stone is more uniformly pointed, proving that new techniques were being used to refine the natural state of the stone. The side view shows a stone that appears smooth to the touch, while the front and back views are more symmetrical to each other in size and appearance than its early predecessor. (234 words)
Nguyễn Anh Đức
Chủ tịch HĐQT Công ty Smartcom Việt Nam