Ngày 20/7, Chính phủ ban hành nghị quyết về giải pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Các bộ, cơ quan, địa phương không trình lên cấp trên và chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền. Các cơ quan không đùn đẩy, kéo dài công việc, làm lỡ thời cơ của người dân, doanh nghiệp và lãng phí nguồn lực.
Theo nghị quyết, việc thay hoặc điều chuyển cán bộ năng lực yếu, không dám làm nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, không đáp ứng yêu cầu công việc. Người thực thi công vụ quyết liệt, hoàn thành tốt nghiệp vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ được khen thưởng.
Bộ Nội vụ được giao sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bộ đồng thời có biện pháp xử lý cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Tình trạng cán bộ không không dám làm xảy ra ở nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói "ai không làm, đứng sang một bên". Hồi tháng 4, ông yêu cầu thay thế hoặc điều chuyển công việc những cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, thiếu trách nhiệm.
Trên nghị trường Quốc hội cuối tháng 5, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn đề xuất chia cán bộ sợ sai thành hai nhóm là những người không muốn làm vì lợi ích riêng và những người sợ vi phạm pháp luật. Với nhóm một, ông Tuấn cho rằng trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, cần ưu tiên thay thế những người này bằng cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm, như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng sẵn sàng thay người vì màu cờ sắc áo, khi quan sát thấy cầu thủ thi đấu kém hiệu quả.
Theo ông Tuấn, nhóm hai chiếm số đông và là nguyên nhân chính tạo ra những hạn chế, tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nguyên nhân là văn bản pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu đồng nhất, khó thực hiện, cùng nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu. Giải pháp là các cơ quan xử lý trách nhiệm người ban hành văn bản sai.