Thủ tướng vừa ký quyết định ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành 6 luật, trong đó có Luật An ninh mạng.
Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì soạn thảo 3 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật An ninh mạng gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Luật quy định 13 biện pháp bảo vệ an ninh mạng, bao gồm việc ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật; thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng...
Việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết nêu trên sẽ giúp nêu rõ trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng được quy định trong Luật.
Các Luật khác được Thủ tướng yêu cầu soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành dịp này là Luật Thể dục, thể thao; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đo đạc và bản đồ và Luật cạnh tranh (sửa đổi).
Bộ trưởng chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các nghị định; ban hành thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.
Ngày 12/6, Luật An ninh mạng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86.86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết. Luật có hiệu lực từ 1/1/2019. |
Xuân Hoa