Chỉ đạo được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại cuộc họp với các bộ, ngành để giải quyết một số vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, ngày 21/6.
Theo lãnh đạo Chính phủ, chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, tạo việc làm, sản xuất được nhiều sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ trong nước. Do đó, trong những năm qua, nhà máy này được xác định là công trình trọng điểm của ngành dầu khí, huy động các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư.
Vì lẽ đó, nhà máy này được hưởng hàng loạt “siêu” ưu đãi, như giữ lại 3-7% thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu; được cấp bù (từ tiền của PetroVietnam) trong giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong vòng 70 năm sau đó)...
Ngoài ra, PetroVietnam sẽ cam kết bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong vòng 15 năm, với giá mua buôn tương đương với giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%. Tuy nhiên, cùng với việc Việt Nam phải thực hiện ngày càng nhiều các cam kết giảm thuế quốc tế (khiến giá xăng nhập khẩu giảm), PetroVietnam đang hết sức lo lắng về khả năng cạnh tranh về giá của xăng dầu Nghi Sơn với sản phẩm nhập khẩu cùng loại,
Tập đoàn này nhiều lần dự báo sẽ thất thu khi dự án này đi vào hoạt động, cũng như trách nhiệm tài chính PetroVietnam khi dự án này vận hành. Tại một báo cáo gửi tới các bộ, ngành hồi đầu năm 2016, tập đoàn này dự tính nếu dầu thô tăng lên mức 75 USD một thùng, Petrovietnam sẽ phải chi 75.000 tỷ đồng một năm để trả ưu đãi cho Nghi Sơn. Số tiền này tăng tỷ lệ thuận với giá dầu thô trên thị trường thế giới.
Hồi tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) đã lên kế hoạch phân phối xăng dầu của Tổ hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, đem đến nhiều kỳ vọng về thị trường đầu ra cạnh tranh hơn của nhà máy lọc dầu lớn nhất, nhì Đông Nam Á.
Đối với việc tiêu thụ sản phẩm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành làm việc với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu để có kế hoạch phân phối, bảo đảm tiêu thụ những sản phẩm mà các nhà máy trong nước sản xuất, chế biến. Ông lưu ý, khi lên phương án tiêu thụ sản phẩm dầu khí trong nước phải bảo đảm hài hoà được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.
Bộ Công Thương, Bộ Thông tin & Truyền thông và UBND tỉnh Thanh Hoá cũng được giao phối hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hạ tầng điện, công nghệ thông tin, viễn thông… đến ngoài hàng rào nhà máy như đã cam kết. Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan phòng cháy chữa cháy nghiên cứu kiến nghị của PetroVietnam về việc cho phép lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động song song với quá trình vận hành thử và nghiệm thu trước khi vận hành thương mại.
Với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD và quy mô sản lượng lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á, dự án tại Nghi Sơn do chính Idemitsu và KPI góp vốn mỗi bên 35,1%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) nắm 25,1% và một đối tác Nhật khác là Hóa chất Mitsui góp 4,7%. Nhà máy dự kiến vận hành thương mại từ năm 2017 với sản phẩm chủ yếu là xăng RON 92, RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, khí hóa lỏng, nhựa, benzen, lưu huỳnh…