"Đây là một trong những nội dung chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh", ông nói tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, sáng 8/1.
Trong nhóm nội dung này, năm 2025 Chính phủ cũng triển khai hai đề án là phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và phòng chống sạt lở, lũ ống, lũ quét miền Trung, miền núi phía Bắc.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết chính quyền Thủ đô "đang quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường với tinh thần triệt để, thực chất, toàn diện". Thành phố cũng phát động phong trào "sáng, xanh, sạch, đẹp Thủ đô", với cách làm mới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.
Tháng 11/2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn đã tăng lên mức "đáng lo ngại" trong 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet.
Dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế xã hội phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19. Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất.
Những năm qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí. Điển hình là Hà Nội đã xóa bỏ 99% bếp than tổ ong, giảm 80% đốt rơm rạ ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công... Thủ tướng đã ban hành nhiều chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí và đề án kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn "vẫn còn hiện hữu".
Chính phủ hoàn thành sắp xếp bộ máy vào đầu tháng 2
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung sắp xếp bộ máy với tinh thần "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", gắn với phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin cho; hoàn thành trong tháng 2. Đội ngũ cán bộ, công chức sẽ được xây dựng theo hướng chuyên môn, phẩm chất tốt, trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Chính phủ cũng ban hành và triển khai chương trình cắt giảm giấy phép, cung cấp dịch vụ công trên nền tảng số và không phụ thuộc địa giới hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đại hội Đảng các cấp của các tổ chức đảng trong Đảng bộ Chính phủ sẽ được tổ chức; đồng thời chuẩn bị, giới thiệu nhân sự chất lượng cho Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 lọt vào top 4 nước dẫn đầu ASEAN về Chính phủ điện tử và có cơ chế "đủ mạnh" thu hút đầu tư, phát triển các ngành mới nổi. Cả nước phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và hơn 1.000 km đường bộ ven biển; đẩy nhanh thương mại hóa 5G và nghiên cứu 6G, ứng dụng các loại dịch vụ vệ tinh; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành trong năm 2025; hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội.