"Chúng tôi xin thông báo đại diện của hai phe chính trị ở Venezuela đã quyết định quay lại Oslo vào tuần tới để tiếp tục quá trình đàm phán do Na Uy xúc tiến", Bộ Ngoại giao Na Uy thông báo hôm 25/5. "Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm giải pháp được các bên nhất trí ở Venezuela".
Đại diện của chính phủ Venezuela và phe đối lập đã tới Na Uy hồi đầu tháng để đàm phán, nhưng hiện chưa rõ kết quả thảo luận của hai bên. Thông báo của Bộ Ngoại giao Na Uy cho thấy tiến trình đàm phán dường như đã đạt được một số kết quả sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng giữa Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ.
Đề cập đến vòng đàm phán đầu tiên, Tổng thống Maduro cho hay ông hy vọng cuộc thảo luận giúp "xây dựng một chương trình nghị sự hòa bình". Trong khi đó, Guaido tuyên bố sẽ không có sự nhượng bộ nào trong quá trình thảo luận ở Oslo và khẳng định bất cứ thỏa thuận nào cũng phải đi kèm với điều khoản Maduro phải từ chức và một cuộc bầu cử được tổ chức sớm.
Maduro cảm ơn Na Uy vì đã thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Venezuela thông qua nỗ lực trung gian đàm phán, đồng thời thông báo Ngoại trưởng Jorge Arreaza sẽ tham gia vòng thảo luận thứ hai với phe đối lập. Dẫn đầu phái đoàn đối lập tới Oslo tuần tới là Stalin Gonzalez, nghị sĩ cấp cao trong quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Các quan chức cho biết phái đoàn của hai bên đã lên máy bay tới châu Âu từ ngày 25/5.
"Na Uy ca ngợi các bên vì đã nỗ lực và đánh giá cao hành động của họ", Ngoại trưởng Ine Eriksen Soereide nói. Bộ Ngoại giao Na Uy có truyền thống giúp đỡ các quốc gia và khu vực xung đột tiến hành hòa giải.
Căng thẳng tại Venezuela, quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong khủng hoảng, leo thang sau cuộc đảo chính thất bại tháng trước do Guaido dẫn đầu nhằm lật đổ Maduro. Sau khi dẹp tan cuộc đảo chính, chính phủ Maduro đã nỗ lực đàm phán với phe đối lập nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Venezuela bị đẩy vào cuộc đấu tranh quyền lực hồi tháng một khi Guaido tự xưng là "tổng thống lâm thời" và yêu cầu Maduro từ chức. Mỹ và nhiều nước châu Âu công nhận Guaido là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, nhưng Maduro vẫn giữ quyền kiểm soát chính phủ, được quân đội và các đồng minh Nga, Cuba và Trung Quốc ủng hộ.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)