Theo báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết ngày 23/5, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép TP HCM được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình đường bộ vùng, liên vùng; được hỗ trợ địa phương trong nước cũng như tại nước khác.
Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), trong đó sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với một số dự án giao thông.
TP HCM khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch; sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế ùn tắc.
Về ngân sách - thuế và cơ chế tài chính, trường hợp TP HCM có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho dự án mới, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hàng năm.
Chính phủ muốn bổ sung quy định thành phố miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn; cho phép thí điểm cơ chế tài chính giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; tín chỉ carbon được giao dịch với nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Ngân sách TP HCM hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon.
Thành phố cũng được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.
Về xây dựng - quy hoạch và đầu tư, dự thảo nghị quyết trao quyền cho TP HCM được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc ở vị trí khác tương đương về quy mô; quy định loại đất cụ thể để phát triển nhà ở xã hội; quy định trường hợp về lợi ích quốc gia, cộng đồng khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng và đô thị.
Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP này.
Về cơ cấu - tổ chức hành chính, Chính phủ đề xuất Quốc hội trao quyền thành lập Sở An toàn thực phẩm cho TP HCM. Sở này có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, thành phố được quy định số lượng cấp phó của UBND TP HCM và UBND phường, xã, thị trấn; quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường.
TP HCM được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP HCM cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; quy định việc HĐND TP HCM thành lập một số ban, phòng ban, văn phòng thuộc TP Thủ Đức.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất 7 chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54 và 4 chính sách được quy định tại nghị quyết đặc thù của địa phương khác.
Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP HCM nhằm tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện.
Sau khi Chính phủ trình dự thảo nghị quyết, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ, hội trường, trước khi bấm nút thông qua ngày 24/6.
Theo chương trình làm việc, trong sáng 26/5, Quốc hội cũng nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Buổi chiều, đại diện Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.