Tại cuộc họp báo chiều 2/3, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Chính phủ thực hiện công việc nêu trên, theo hướng việc kiện toàn trước tiên thực hiện với các vị trí mà những người đương nhiệm không tái cử Trung ương khóa XIII hoặc tái cử nhưng thay đổi vị trí công tác.
Sau khi Chính phủ xây dựng phương án, các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định. "Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, pháp luật", ông Dũng nói và cho biết việc này dự kiến diễn ra tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 (khai mạc ngày 24/3).
Theo ông Dũng, trong cuộc họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm kỳ đương nhiệm thời gian không còn dài nhưng Chính phủ khẳng định không có tư tưởng cầm chừng hoặc "chợ chiều". "Phải có trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, làm tốt nhiệm vụ đến ngày cuối cùng của nhiệm kỳ", ông Dũng nói.
Tại Đại hội XIII của Đảng, trong 26 thành viên Chính phủ có 2 phó thủ tướng và 7 bộ trưởng không tái cử Trung ương khóa mới; trong đó 2 phó thủ tướng là ông Trương Hòa Bình và ông Trịnh Đình Dũng.
Các bộ trưởng đương nhiệm không tham gia Trung ương khóa XIII gồm Bộ trưởng Quốc phòng; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm tái cử Trung ương khóa XIII và được bầu vào Bộ Chính trị.
Hai bộ trưởng tái cử Trung ương và khóa đầu tiên tham gia Bộ Chính trị là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Hai bộ trưởng, trưởng ngành tái cử Trung ương và được bầu vào Ban Bí thư là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Hai bộ trưởng, trưởng ngành tham gia Trung ương khóa đầu tiên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.