![]() |
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Đầu năm 2003, dứt khoát đưa ngành bưu chính viễn thông ra cạnh tranh". |
- Báo cáo của Chính phủ thừa nhận sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp. Phó thủ tướng có thể chỉ ra nguyên nhân?
- Sản phẩm của chúng ta kém khả năng cạnh tranh là do giá thành cao trong khi chất lượng thấp. Trong đó, nguyên nhân giá thành rất lớn. Giá dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải, giá đất... cao là những yếu tố làm tăng giá thành. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích xuất khẩu với mức thuế của hầu hết hàng hóa là bằng không. Đây là ưu đãi lớn, nhưng phí dịch vụ các loại là đầu vào của sản phẩm còn quá cao. Chính phủ đang tập trung rà soát, xử lý vấn đề này. Chính phủ cũng sẽ có giải pháp để điều chỉnh giá đất, hạn chế nạn đầu cơ.
- Giá hàng hóa, dịch vụ ở các ngành điện lực, bưu điện... cao, trong khi chất lượng kém. Vậy tại sao ta không sớm mở cửa để người tiêu dùng có lợi hơn?
- Chúng ta mong muốn giảm giá là một chuyện, còn thực hiện thì phải có bước đi. Ta đang mở cửa thị trường bưu chính viễn thông với một lộ trình rõ ràng (quy định trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, và sau này là trong cam kết tham gia WTO).
Việc hạn chế độc quyền nhà nước với các lĩnh vực viễn thông, điện lực thì cần đặt trong hoàn cảnh lịch sử. Đây là những ngành mà do điều kiện khách quan, khi hình thành thì đã độc quyền, và chính sự độc quyền đó giúp ta có cơ sở vật chất như bây giờ. Hơn nữa, ta vay nhiều để đầu tư, như điện lực nợ tới nay là 4 tỷ USD. Nay phải kiểm soát ngành này để thu, trả nợ và đầu tư mới.
- Chính phủ sẽ đưa giá dịch vụ điện thoại xuống bằng khu vực vào năm 2003. Tại sao ta không giảm ngay trong năm nay, thưa Phó thủ tướng?
- Tôi thấy rằng ngành bưu chính viễn thông giảm giá như vậy thì phần tích lũy trả nợ sẽ giảm, dù không lỗ. Riêng ngành này, ta còn nợ khoảng hơn trăm triệu USD. Do đó, Chính phủ mới yêu cầu bưu chính viễn thông cải tiến kỹ thuật, giảm biên chế, giảm giá thành. Còn đầu năm 2003, dứt khoát đưa ngành này ra cạnh tranh. Ta phải cạnh tranh được giá điện thoại với các nước trong khu vực. Còn Internet sẽ sớm hơn, có thể giảm giá ngay trong năm nay. Bây giờ, Chính phủ cũng chủ trương khuyến khích công ty cổ phần làm dịch vụ bưu chính viễn thông. Tư nhân cũng có thể làm nếu đủ điều kiện.
- Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Xin Phó thủ tướng cho biết công việc gì ta sẽ làm ngay?
- Hiện nay, cái gấp nhất là vấn đề hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ với ta để thực hiện Hiệp định này. Trong buổi làm việc chiều nay với Đại sứ Mỹ Raymond Burghardt, tôi sẽ dành thời gian bàn về vấn đề này. Tôi hoan nghênh việc triển khai thực hiện BTA, trong đó phía Mỹ thực hiện cam kết hỗ trợ cho Việt Nam. Song tôi sẽ lên tiếng với phía Mỹ về lo ngại của Việt Nam trước những chính sách hạn chế nhập khẩu của họ gần đây, chẳng hạn như vấn đề đối với cá basa, hay việc tăng thuế nhập khẩu thép từ 8 lên 30%. Như vậy là trái với chính sách tự do thương mại của Mỹ, và trái với các quy định của WTO.
- Chính phủ có đưa ra kế hoạch là năm nay tăng GDP 7,5%. Cơ sở đâu để Chính phủ tin rằng có thể đạt được?
- Ở thị trường trong nước, chúng ta cố gắng tăng đầu tư để kích cầu. Vốn đầu tư năm nay 175 nghìn tỷ đồng thì sức mua có thể tăng lên khoảng gần 7%. Trên thị trường thế giới, sau chu kỳ thụt giảm vừa qua thì giá nông sản bắt đầu lên, giá dầu, cà phê cũng tăng... Nguồn thu của nông dân do đó sẽ tốt, và như vậy cũng giúp tăng sức mua trong nước. Về thị trường xuất khẩu thì chưa năm nào rộng như năm nay (năm trước, cả 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng cao, nhưng giá trị lại giảm mất 1,5 tỷ USD). Nói vậy là vì thị trường thế giới đã có dấu hiệu phục hồi. Riêng quan hệ thương mại của Việt Nam và Mỹ, trong 2 tháng đầu năm nay, hàng dệt may, thủy sản ta xuất vào thị trường mới này tăng hơn 30%.
Nghĩa Nhân
Ảnh: Xuân Thu