Chiều 25/7, thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Tờ trình cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Thủ tướng cho hay, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ theo hướng tinh gọn, hợp lý, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiêm giữa Chính phủ, Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, bộ máy hành chính các cấp. Chính phủ thực hiện nhất quán nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính, những việc có liên quan đến cơ quan khác thì xác định rõ cơ quan phối hợp thực hiện, khắc phục chồng chéo và chia cắt.
Từ những mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khoá mới ổn định như nhiệm kỳ 2011-2016 với 22 bộ, cơ quan ngang bộ.
18 bộ gồm: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế.
4 cơ quan ngang bộ: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nhất trí giữ cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa mới như nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời "đặt hàng” Chính phủ tăng cường quản lý một số lĩnh vực, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước trong doanh nghiệp, đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ công.
“Chính phủ phải thực hiện nghiêm túc quy định số lượng thứ trưởng và tinh giản biên chế tại các bộ, ngành”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị.
Ngày mai (26/7), Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Võ Hải - Hoài Thu