Ngày 4/1, báo cáo Quốc hội về tình hình phòng, chống Covid-19, nhất là ứng phó với biến thể mới Omicron, Chính phủ nêu thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron và thậm chỉ sẽ có những biến thể mới.
Trong khi đó, dẫn nhận định của WHO, Chính phủ cho hay biến thể Delta và Omicron là mối "đe dọa kép" làm gia tăng các ca mắc từ đó dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng lên đột biến, tiếp tục gây áp lực lớn lên các nhân viên và hệ thống y tế.
So với thời kỳ tháng 8, 9/2021, số ca tử vong ở Việt Nam đã giảm song vẫn ở mức cao (thời kỳ đỉnh dịch 300-350 ca mỗi ngày, hiện trên 200 ca). Các trường hợp tử vong do Covid-19 chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vaccine (tại TP HCM, An Giang... 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi).
"Số ca nhiễm Covid-19 trong giai đoạn qua tăng rất nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng, tử vong, gây quá tải hệ thống y tế của một số địa phương", Chính phủ lý giải nguyên nhân gia tăng ca tử vong.
Diễn biến tích cực là số ca bệnh nặng đã giảm sâu (giảm 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8, 9/2021).
Chính phủ nêu hàng loạt khó khăn về năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Cụ thể như, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của nhiều tỉnh, thành không có đủ diện tích làm việc, nhiều trang thiết bị đã có niên hạn trên 8-10 năm, quá cũ nên không đáp ứng được yêu cầu.
Một số tỉnh không có kho lạnh để bảo quản vaccine và thiếu một số trang thiết bị nên phải thuê dịch vụ của tư nhân; thiếu tủ an toàn sinh học, là thiết bị rất cần thiết giúp bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế trước các tác nhân lây nhiễm...
Nhân lực y tế dự phòng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Sau khi sáp nhập, mỗi trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh có khoảng 161 cán bộ nhưng số lượng chưa ổn định và sắp xếp cán bộ chưa phù hợp nên nhiều vị trí chuyên môn còn thiếu cán bộ làm việc, đặc biệt là bác sĩ.
"Qua hai năm chống dịch, nhiều cán bộ nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do
phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực
tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc.
Hàng nghìn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế..", báo cáo nêu.
Thời gian tới, Chính phủ xác định tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.
Việt Nam sẽ "thần tốc hơn nữa" trong chiến dịch tiêm chủng vaccine; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022; phủ xong mũi 3 cho người từ 18 tuổi trong quý I năm nay.
Hiện Việt Nam đã ghi nhận 24 ca nhiễm chủng Omicron, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay, gồm: Hà Nội một (ca phát hiện đầu tiên), Quảng Nam 14, TP HCM 5, Thanh Hóa 2, Hải Dương, Hải Phòng mỗi nơi một.
Liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, báo cáo của Chính phủ nêu đây là "vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng".
Công ty Việt Á "lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi", đồng thời một số cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vụ án đã được Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi. Thủ tướng đã có các văn bản chỉ đạo khẩn trương tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất chính.
Hoàng Thùy - Viết Tuân