![]() |
Thủ tướng Phan Văn Khải: "Thành công nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ giải phóng sức mạnh của dân". |
Tiến bộ nổi bật nhất của nhiệm kỳ Chính phủ này là đã triển khai bước đầu quan trọng chủ trương phát huy nội lực, khơi dậy sức dân và doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua một số văn bản pháp luật cải thiện môi trường kinh doanh. Điển hình và thành công nhất là Luật Doanh nghiệp. Chỉ 2 năm có hiệu lực (2000-2001), số doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân mới ra đời theo đạo luật này đã bẳng tổng số doanh nghiệp thành lập trong hơn 10 năm trước đó.
Các cố gắng nói trên của Chính phủ đã khơi dậy nhiệt tình kinh doanh của dân, tạo ra mức tăng đầu tư toàn xã hội 10%/năm, dù vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài giai đoạn này giảm 25%.
Chính phủ đã chủ động ứng phó với tình huống bất thường, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế. Khi nhà sản xuất trong nước bị uy hiếp về thị trường xuất khẩu và giá cả, Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ sản xuất, hạn chế thua thiệt cho người sản xuất, đặc biệt là nông dân. Chính sách tiền tệ cũng được áp dụng linh hoạt, thận trọng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách kinh tế trong nước, kết hợp với mở rộng đối ngoại, thực hiện các cam kết trong ASEAN, AFTA, APEC... và đặc biệt là hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại với Mỹ, đã giúp Việt Nam vượt qua ngưỡng kém phát triển về ngoại thương và vượt mức trung bình của thế giới về độ mở cửa của nền kinh tế.
Ba thiếu sót chủ yếu
Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ ra 3 thiếu sót, bất cập chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ:
1. Chưa có chính sách đồng bộ tạo môi trường thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh
Chính phủ đã nhận thức rằng muốn khắc phục được hạn chế của nền kinh tế yếu kém trong nước, cần tạo được đồng bộ các yếu tố thị trường, gây dựng môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật, thúc đẩy nâng cao trình độ công nghệ và quản lý. Song nhận thức trên thể hiện vào thực tế còn chậm. Chính phủ thiếu biện pháp cụ thể để thực hiện chủ trương hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh, đặc biệt của doanh nghiệp độc quyền nhà nước. Việc này dẫn tới giá một số sản phẩm quá cao, làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp nhà nước được bao cấp quá nhiều, dẫn tới ỷ lại, trì trệ (khoảng 40% doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, mà một phần dựa vào độc quyền kinh doanh; 40% khi lỗ, khi lãi; 20% lỗ liên tục). Xu hướng phổ biến của doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là trông chờ vào bảo hộ.
Thủ tướng thừa nhận: “Trong việc hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường, xóa bỏ thị trường ngầm, tạo lập môi trường hợp tác và cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật, hạn chế và kiểm soát độc quyền, giảm bao cấp, hạ hàng rào bảo hộ, sự chỉ đạo của Chính phủ có phần chậm trễ và thiếu kiên quyết”.
2. Cải cách hành chính tiến hành chậm, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, chưa đẩy lùi được quan liêu, tham nhũng
Dù các cấp lãnh đạo đã có ý thức về cải tiến xây dựng thể chế, song hệ thống hành chính từ trung ương đến cơ sở còn nhiều yếu kém, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, đáng ngại là tình trạng thiếu trách nhiệm, kém ý thức kỷ luật và tệ quan liêu, tham nhũng nghiêm trọng.
Đó là do cải cách hành chính không đi liền với đổi mới đồng bộ hệ thống chính trị. Cũng là do Chính phủ còn thiếu sát sao, kiên quyết trong tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách. Luật ban hành nhưng chậm được cụ thể hóa, thậm chí địa phương còn ra quy định trái luật.
Nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí đã được nói nhiều, song chưa được giải quyết có hiệu quả. Nguyên nhân là chưa chú trọng giải quyết những vấn đề gốc rễ phát sinh tham nhũng, phát hiện được thì xử lý thiếu nghiêm minh, còn nể nang, né tránh.
Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Để kéo dài tình trạng nêu trên, tuy có nguyên nhân khách quan, nhưng trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ, vì đã chậm khắc phục những yếu kém trong quản lý, điều hành bộ máy hành chính nhà nước”.
3. Chậm đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa – xã hội
Trong nhiệm kỳ Chính phủ này, các hoạt động văn hóa – xã hội có phát triển nhưng chưa theo kịp yêu cầu, nhất là chất lượng kém và chậm được cải thiện.
Cụ thể, chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp, còn hiện tượng tiêu cực. Hoạt động khoa học – công nghệ chậm phát triển (như công nghệ thông tin, giống cây trồng...), chưa gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Công tác y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, chưa đẩy lùi và ngăn chặn được những hiện tượng tiêu cực, trái với y đức. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật phát triển đa dạng, phong phú, song chưa phát huy được mặt tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa tinh thần lành mạnh, hướng thiện.
Bài học kinh nghiệm
Theo Thủ tướng Phan Văn Khải, từ những thành công và hạn chế trên, Chính phủ rút ra 3 bài học chính.
Thứ nhất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, tinh thần của nhân dân là nguồn gốc mọi thắng lợi. Công sức và của cải của dân đóng góp cho sự giàu mạnh của đất nước ngày càng nhiều. “Thành công nhiều hay ít trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước tùy thuộc vào mức độ giải phóng và phát huy nguồn sức mạnh vô tận này”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, sự đoàn kết, nhất trí trong hệ thống chính trị và trong bộ máy hành chính có vai trò quyết định với hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Thứ ba, trong phương thức chỉ đạo, điều hành, Chính phủ phải có quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhưng cũng phải coi trọng hiệu lực tổ chức thực hiện, phân định trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo kiểm tra sát sao, thường xuyên.
Theo chương trình kỳ họp, các đại biểu sẽ có nhiều thời gian thảo luận về bản báo cáo này.
Nghĩa Nhân
Ảnh: Xuân Thu