Số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18/10 cho thấy trong tài khóa 2024 (kết thúc ngày 30/9), thâm hụt ngân sách nước này đã lên 1.833 tỷ USD. Con số này tăng 8% so với tài khóa trước, và là mức thâm hụt liên bang cao thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau tài khóa 2020 và 2021 do đại dịch.
Nguyên nhân chủ yếu là tiền trả lãi tăng 29% lên 1.133 tỷ USD, do lãi suất cao và Mỹ vay nợ nhiều hơn. Tài khóa trước cũng là lần đầu tiên số tiền chính phủ Mỹ chi ra để trả lãi vượt 1.000 tỷ USD. Con số này còn lớn hơn chi phí chăm sóc cho người cao tuổi và chi tiêu quốc phòng.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết nếu tính trên GDP, tiền lãi chỉ tương đương 3,93%, thấp hơn mức kỷ lục là 4,69% năm 1991. Dù vậy, số này vẫn là cao nhất kể từ năm 1998.
Tính trung bình, lãi suất với trái phiếu chính phủ Mỹ trong tháng 9 là 3,32%, tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm so với tháng 8. Năm nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020, với mức 50 điểm phần trăm (0,5%)
Các nguyên nhân khác kéo thâm hụt ngân sách của Mỹ lên cao là chi cho an sinh xã hội tăng 7% lên 1.520 tỷ USD, chi cho chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare tăng 4% lên 1.050 tỷ USD và chi tiêu quân sự tăng 6% lên 826 tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách tài khóa 2024 tương đương 6,4% GDP, tăng so với 6,2% năm trước đó. Việc này có thể là thách thức với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trước cuộc bầu cử tháng tới. Đến nay, các cam kết bà đưa ra đều cho thấy bà có thể cải thiện vấn đề tài khóa của Mỹ tốt hơn ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Hồi đầu tháng, Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB) - một tổ chức phi lợi nhuận - công bố ước tính về tác động kế hoạch chính sách của hai ứng viên Tổng thống Mỹ. Theo đó, kế hoạch thuế và chi tiêu của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể khiến thâm hụt ngân sách nước này tăng 3.500 tỷ USD trong 10 năm tới. Con số này với kế hoạch của ông Donald Trump là 7.500 tỷ USD.
Hà Thu (theo Reuters)