Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho biết khoảng 4% trong số 36.000 phòng khám tư nhân đã thông báo cho chính phủ về việc đóng cửa để tham gia cuộc biểu tình diễn ra hôm nay. "Để giảm thiểu những gián đoạn về y tế, lệnh quay trở lại làm việc được ban hành lúc 9h sáng cùng ngày", ông nói.
Đây được đánh giá là động thái cứng rắn với hành động đình công tập thể của các bác sĩ thuộc Hiệp hội Y học Hàn Quốc (KMA) tổ chức. KMA bao gồm hội viên là các bác sĩ phòng khám tư và bác sĩ bệnh viện đại học, bắt đầu đình công từ ngày 18/6, đánh dấu "hành động tập thể lớn nhất trong lịch sử". Cuộc đình công nhằm phản đối việc chính phủ tăng chỉ tiêu sinh viên y, gây sức ép cho giới chức phải hủy bỏ quy định xử phạt hành chính đối với các bác sĩ thực tập và nội trú nghỉ việc hồi tháng 2.
Các giáo sư từ 40 trường y cũng quyết định đình công kéo dài 1 ngày, do Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc tổ chức vào ngày 18/6. Còn giáo sư tại 4 bệnh viện lớn liên kết với Đại học Quốc gia Seoul và 3 bệnh viện lớn của Đại học Yonsei cảnh báo đình công vô thời hạn, bắt đầu từ ngày 17/6.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng cuộc đình công của các bác sĩ và giáo sư là "động thái đáng tiếc, đáng thất vọng".
"Chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và bỏ bê bệnh nhân", Yoon nói trong cuộc họp nội các, đồng thời đề nghị hợp tác nếu các bác sĩ quay trở lại làm việc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Cho cho biết trường hợp xảy ra hậu quả y tế nghiêm trọng, giới chức sẽ kiểm tra, thu thập chứng cớ để xử phạt hành chính cũng như đình chỉ hành nghề theo luật pháp. Cùng với đó, Bộ điều tra các bài viết xúi giục các bác sĩ từ chối khám chữa bệnh.
Trường hợp bác sĩ từ chối, đơn phương hủy khám chữa bệnh mà không báo trước với bệnh nhân, có thể bị xử lý hình sự. Chính phủ sẽ vận hành trung tâm hỗ trợ thiệt hại, tiếp nhận tố giác thiệt hại từ các bệnh nhân bị bác sĩ từ chối khám chữa bệnh.
Theo cuộc khảo sát do Nownsurvey thực hiện vào tuần trước, gần 8/10 người Hàn Quốc phản đối cuộc đình công của các bác sĩ. Một số hiệp hội y khoa và nhân viên y tế công khai chỉ trích hành động tập thể này.
Các tổ chức bệnh nhân cũng yêu cầu giới y tế dừng ngay hành động tập thể, đồng thời đề nghị giới chức cải thiện chế độ pháp lý để phòng ngừa hành động tập thể của các bác sĩ tái diễn.
Từ ngày 20/2, hơn 9.000 bác sĩ nội trú, lực lượng nòng cốt chăm sóc và điều trị các bệnh nhân nguy kịch, đã rời bệnh viện để phản đối chính sách tăng thêm 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ. Hiện những người này vẫn chưa quay lại làm việc.
Những người đình công cho rằng cải cách này sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, khiến tiền viện phí của bệnh nhân tăng cao hơn. Thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của nhân viên y tế hiện tại.
Trong khi đó, chính phủ nhận định việc tăng chỉ tiêu là cần thiết, nhằm ứng phó với tình trạng dân số già và tăng cường lực lượng y bác sĩ cho các nhóm ngành thiết yếu như nhi khoa, cấp cứu, phẫu thuật.
Đến đầu tháng 5, chính phủ đã có động thái giảm leo thang như hoãn đình chỉ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ nội trú, cho trường y linh hoạt tuyển sinh, nhưng các hiệp hội y khoa phản đối. Họ lập luận giới chức cần hủy toàn bộ quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, bắt tay ngay vào cải cách y tế thì mới ngồi vào bàn đàm phán.
Thục Linh (Theo Reuters)