Cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố trong năm 2022, số trẻ sơ sinh trên một phụ nữ của Hàn Quốc là 0,78, thấp nhất từ trước tới nay. Hàn Quốc đang tìm cách đảo ngược xu thế có nguy cơ đẩy đất nước vào thảm họa kinh tế.
Trong số các đề xuất đưa ra gần đây có ý tưởng miễn nghĩa vụ quân sự cho đàn ông có ba con trở lên ở tuổi 30. Một đề xuất khác là đưa ra các gói giảm thuế cho các bậc cha mẹ dựa theo số lượng con cái.
Hàng chục nhà lập pháp đề xuất cho phép lao động giúp việc nước ngoài tới Hàn Quốc làm việc với mức lương thấp hơn tối thiểu, nhằm giảm bớt gánh nặng công việc nội trợ. Những đề xuất này khiến một số bộ phận xã hội Hàn Quốc tức giận.
"Những đề xuất chính phủ đưa ra cho thấy họ thiếu quan tâm đến nhu cầu và suy nghĩ của phụ nữ", Kim Yun-jeong, 31 tuổi, nhà thiết kế kiêm giảng viên nghệ thuật ở tỉnh Gyeonggi, nói.
"Chênh lệch mức lương theo giới tính ở Hàn Quốc vẫn rất lớn. Phụ nữ đối mặt nhiều thách thức hơn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình".
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ chỉ trích đề xuất miễn nghĩa vụ quân sự chỉ mang lại lợi ích cho đàn ông. "Điều chúng tôi cần không phải miễn nghĩa vụ quân sự, chúng tôi cần một xã hội mà sự nghiệp của phụ nữ không bị gián đoạn dù đã sinh con. Đàn ông chia sẻ việc chăm sóc con cái và việc nhà là chuyện đương nhiên", họ viết trong một tuyên bố chung.
Dự luật thuê mướn lao động nước ngoài dưới mức lương tối thiểu cũng gây tranh cãi. Cho Jung-hun, nhà lập pháp đảng Chuyển giao Hàn Quốc, một trong những người đưa ra dự luật, cho rằng Hàn Quốc cần "giải pháp thực tế cho thế hệ trẻ", phù hợp với các gia đình cả vợ và chồng đều đi làm.
Dự luật nêu ví dụ về Singapore, nơi lao động giúp việc nước ngoài được trả lương thấp hơn tới 10 lần so với mức lương trung bình. Ý tưởng này đối mặt chỉ trích là thúc đẩy lạm dụng và bóc lột lao động. Tuy nhiên, phe ủng hộ cho rằng việc chủ thuê Hàn Quốc cung cấp chỗ ăn ở khiến đãi ngộ mà những lao động này nhận được tại đây sẽ tốt hơn ở quê nhà.
"Trong tình huống khẩn cấp này, nếu chúng ta không thử các biện pháp mạnh mẽ và đa dạng, chúng ta sẽ càng vô trách nhiệm hơn", là ý kiến ủng hộ trong bài xã luận đăng trên Chosun Ilbo, tờ báo lâu đời nhất ở Hàn Quốc.
Trong khi đó, đảng Công lý chỉ trích động thái này giống như "chế độ nô lệ thời hiện đại" và là "nỗ lực hợp pháp hóa phân biệt chủng tộc". Các lãnh đạo công đoàn gọi dự luật là "lỗi thời".
Đây không phải lần đầu tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc trở thành chủ đề gây tranh cãi. Tổng thống Yoon Suk-yeol từng cho rằng nguyên nhân nằm ở nữ quyền, còn Chủ tịch Quốc hội Kim Jin-pyo cho rằng nguyên nhân "ở tình trạng đồng tính luyến ái", đồng thời "đề xuất thực hiện liệu pháp chữa trị đồng tính".
Trước khi trở thành bộ trưởng thương mại, ông Lee Chang-hyang đã đề nghị áp thuế với hộ gia đình không sinh con. Chính quyền một thành phố còn khuyến khích đàn ông độc thân nông thôn lớn tuổi lấy vợ nước ngoài để tăng dân số.
Áp lực giải quyết tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh ngày càng đè nặng lên chính phủ Hàn Quốc. Vấn đề nghiêm trọng hơn do những thách thức bởi dân số già gây ra, dự đoán sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, lực lượng lao động và năng lực phòng thủ của đất nước.
Tổng thống Yoon yêu cầu chính phủ đưa ra những biện pháp "táo bạo và chắc chắn" để giải quyết. Văn phòng của ông dự kiến công bố chiến lược dài hạn trong vài tháng tới. Chính quyền ông Yoon đã tăng trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới một tuổi lên 700.000 won (535 USD) và dự kiến tiếp tục tăng lên một triệu won (767 USD) vào năm tới.
Trong cuộc họp ngày 28/3, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố khoản chi 280 nghìn tỷ won (215 tỷ USD) trong 16 năm qua để đảo ngược tỷ lệ sinh suy giảm đã "thất bại". Ông lưu ý vấn đề này liên quan đến các khía cạnh xã hội khác như phúc lợi, giáo dục, việc làm, nhà ở, xu hướng theo đuổi sự nghiệp của phụ nữ.
Các nhóm vì quyền lợi người lao động cho hay gần một nửa người lao động không thể sử dụng quyền nghỉ thai sản do sợ mất việc, đặc biệt ở nhóm dễ bị tổn thương.
Trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là quốc gia có số giờ làm việc dài nhất và phụ nữ có ít cơ hội làm việc bình đẳng ở công sở, theo dữ liệu của OECD và nghiên cứu của báo Anh Economist.
Tổng thống Yoon gần đây thông báo chính sách tăng giờ làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ. Động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của thế hệ thiên niên kỷ (sinh trong khoảng năm 1981-1996) và các bậc cha mẹ đang đi làm, những người phàn nàn rằng họ có quá ít thời gian bên con cái. Sự phản đối đã khiến chính phủ thông báo sẽ cân nhắc lại về vấn đề này.
Một số người cho rằng ông Yoon sẽ không thể đưa ra được những chính sách hữu ích để ngăn chặn khủng hoảng dân số. Khi tranh cử tổng thống, ông Yoon đã cố gắng thu hút cử tri nam trẻ tuổi không hài lòng với các chính sách bình đẳng giới dưới thời người tiền nhiệm Moon Jae-in. Ông cũng từng nêu ý định giải thể Bộ Bình đẳng giới và Gia đình.
Báo Hankyoreh chỉ ra tầm nhìn mà Tổng thống Hàn Quốc đưa ra ngày 28/3 không nhắc đến "bình đẳng giới". "Chính phủ có lập trường chống lại bình đẳng giới, với những động thái như thúc đẩy xóa bỏ Bộ Bình đẳng giới. Vì vậy, chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh chắc chắn sẽ là nỗ lực vô ích", tờ báo viết.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)