Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội giai đoạn trước và dự báo sau thời điểm dự kiến điều chỉnh để tính các phương án, mức, thời điểm điều chỉnh cụ thể cho phù hợp, đánh giá tác động đến kinh tế xã hội, đời sống nhân dân và chỉ số lạm phát. Đồng thời xây dựng định mức nhân lực từng ca phẫu thuật, thủ thuật để làm căn cứ ban hành Thông tư quy định mức chi phí chi trả chế độ phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật (được cộng vào giá ngày giường bệnh, giá phẫu thuật, thủ thuật).
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chi phí tiền lương trong giá dịch vụ khám chữa bệnh theo từng tuyến (hạng) bệnh viện.
Từ giữa năm ngoái, một loạt các bệnh viện đã rục rịch điều chỉnh giá viện phí. Hiện chỉ còn TP HCM là chưa tăng. Tuy nhiên, đợt này mới tính 3 trên 7 yếu tố: thuốc, dịch truyền, máu, vật tư - điện nước, thông tin liên lạc, khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn, xử lý môi trường - duy tu, bảo dưỡng thiết bị.
Theo lộ trình tăng viện phí do Bộ Y tế đặt ra, từ năm 2014 sẽ tính thêm 2 yếu tố nữa là: Chi phí chi trả phụ cấp thường trực được tính vào giá ngày giường điều trị nội trú; Chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật được tính vào giá từng phẫu thuật, thủ thuật.
Sang năm 2015, sẽ tính thêm: tiền lương (theo mức 20-50% quỹ tiền lương cơ bản đối với từng tuyến bệnh viện); khấu hao trang thiết bị trực tiếp thực hiện dịch vụ; chi phí quản lý, vận hành bệnh viện.
Giai đoạn 2016-2017, chi phí tiền lương sẽ được tính theo mức 50-100% quỹ tiền lương cơ bản, cộng thêm khấu hao trang thiết bị trực tiếp thực hiện dịch vụ và chi phí quản lý, vận hành bệnh viện.
Sau năm 2018 sẽ tính đầy đủ chi phí để thực hiện dịch vụ.
Nam Phương