Indonesia tối 22/12 hứng chịu một trận sóng thần khiến ít nhất 281 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương, theo AFP. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thường sẽ thông báo về các thảm họa như vậy và cung cấp dữ liệu cần thiết cho công chúng. Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ đóng cửa từ 0h ngày 22/12 khiến USGS không thể cập nhật về trận sóng thần ở Indonesia.
"Do ngân sách hết hạn, phần lớn các trang web của USGS không được cập nhật và không thể phản ánh tình hình hiện tại. Dữ liệu thời gian thực về động đất, mực nước biển và thông tin cần thiết cho sự an toàn của cộng đồng sẽ được cập nhật với sự hỗ trợ hạn chế", Huffington Post dẫn thông báo hiển thị đầu trang web của USGS cho biết.
Chính phủ Mỹ đóng cửa sau khi thượng viện từ chối thông qua dự luật chi tiêu mới, trong đó có khoản ngân sách 5 tỷ USD để xây tường biên giới với Mexico, biện pháp mà Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ ngăn dòng người nhập cư trái phép hiệu quả. Theo kế hoạch dự phòng, 75 trong số 8.032 nhân viên của USGS vẫn làm việc.
"USGS sẽ tạm ngừng phần lớn hoạt động, trừ các nhiệm vụ nhằm bảo vệ mạng sống và tài sản", bản kế hoạch viết. Tài liệu này còn cho biết 450 nhân viên sẽ "sẵn sàng" cho các thảm họa tự nhiên, nhưng chưa rõ quá trình này đã được tiến hành hay chưa, bởi trang web của USGS thông báo cơ quan "không thể giải đáp thắc mắc cho tới khi các khoản ngân sách có hiệu lực".
Dù đội ngũ chuyên gia tại Indonesia dẫn đầu trong việc phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu địa chấn và núi lửa vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của một số cơ quan như USGS trong việc cung cấp dữ liệu khoa học có giá trị cho công chúng.
"Đây là vấn đề nan giải với các nhà báo. Thật đáng tiếc khi không thể giúp đỡ bằng cách cung cấp những bình luận hay lời khuyên cho công chúng", nhà nghiên cứu núi lửa Robin George cho biết.
USGS là một trong nhiều cơ quan khoa học của chính phủ Mỹ bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa. Theo các nhà khoa học, tình trạng này không chỉ làm chậm tiến độ nghiên cứu mà còn ảnh hưởng tới sự an nguy của cộng đồng bởi các thảm họa sẽ không được báo trước.
Trận sóng thần hôm 22/12 ở Indonesia tấn công các bãi biển quanh eo biển Sunda, ở Nam Sumatra và mũi phía tây của đảo Java. Chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố không có sóng thần mà chỉ là một đợt thủy triều dâng cao, nhưng sau đó phải xin lỗi vì sai lầm này. Họ giải thích rằng khó xác định sự cố do không có động đất. Việc núi lửa Anak Krakatau phun trào khoảng 24 phút trước khi sóng thần xảy ra được cho là nguyên nhân dẫn đến thảm họa.
Ánh Ngọc