Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở Hà Nội.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, dài 400 km, tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD. Tuy nhiên, 4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Đặc biệt, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc dư luận.
Phó Thủ tướng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định hồ sơ thiết kế dự án được duyệt; cung cấp hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải "tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019, nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn".
Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, UBND Hà Nội, tổng thầu, tư vấn cùng phối hợp để hoàn thiện đánh giá chất lượng và hoàn thành dự án đúng quy định. Hội đồng nghiệm thu nhà nước phối hợp với tư vấn sớm đánh giá kết luận nghiệm thu công trình.
Chủ tịch Hà Nội và Bộ trưởng Giao thông Vận tải được Chính phủ yêu cầu làm việc với chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn để rà soát, đẩy nhanh chứng nhận an toàn hệ thống, đưa dự án vào khai thác, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.
Với đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Phó Thủ tướng giao giao Hà Nội đẩy nhanh thực hiện, hoàn thành trong năm 2021. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xử lý kiến nghị của Hà Nội bổ sung kế hoạch vốn ODA cho dự án. Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn chủ đầu tư những vấn đề liên quan hợp đồng, nghiệm thu bàn giao.
Với tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp cùng Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 (cạnh hồ Gươm) để Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì họp về kế hoạch thực hiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Dự án đã được vận hành thử toàn hệ thống từ tháng 9/2018, song đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đánh giá an toàn và nghiệm thu để được khai thác thương mại.