Sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo đó trong gần hai năm thực hiện thí điểm, từ tháng 2/2017 đến tháng 10/2018, Bộ Công an đã cấp 336.932 thị thực điện tử. Đến 15/10/2018, đã có 271.530 lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực điện tử, chủ yếu qua đường hàng không. Số tiền thu được từ phí cấp thị thực điện tử là 195 tỷ đồng.
Để bảo đảm hoạt động cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến đối ngoại, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thêm 2 năm, kể từ ngày 1/2/2019.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, trong hai năm qua, chưa phát hiện người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử có hoạt động xâm phạm an ninh, quốc gia hoặc có vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
Kiến nghị trên được các đại biểu Quốc hội tán thành và Ủy ban Quốc phòng và An ninh (thuộc Quốc hội) nhất trí. Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nội dung cho phép kéo dài thí điểm sẽ được quy định trong nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6.
Việt Nam đang thí điểm cấp visa điện tử cho công dân của 46 nước. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử có thể nhập cảnh tại 28 cửa khẩu quốc tế gồm 8 cửa khẩu đường không, 13 cửa khẩu đường bộ, 7 cửa khẩu đường biển.
Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020.
Việc cấp visa điện tử là một bước đi đột phá giúp giảm bớt phiền hà cho du khách trong quá trình xin visa, được các chuyên gia đánh giá là một yếu tố thu hút khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam.
Sau gần hai năm thí điểm, việc cấp thị thực điện tử cho khách nước ngoài vào Việt Nam sẽ hết hạn vào 31/1/2019 theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 của chính phủ.
Xem thêm: Xin visa vào Việt Nam, nỗi khổ của người làm du lịch.