
Kỳ họp thứ 8 lần đầu tiên diễn ra tại tòa nhà Quốc hội mới. Ảnh: Giang Huy.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sáng 8/10 cho hay, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 28/11.
Trong 33 ngày làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận về 30 dự án luật và thông qua 17 luật trong đó. Những dự thảo còn nhiều tranh cãi như Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Tổ chức TAND (sửa đổi), Tổ chức VKSND (sửa đổi), Hộ tịch, Căn cước công dân, Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)... sẽ được tăng thời gian thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường. Bộ Giáo dục sẽ trình Tờ trình ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Ngoại giao sẽ báo cáo về công tác đối ngoại năm 2014.
Một nội dung được chờ đợi là báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa vào phiên họp chiều 25/10; đồng thời rút nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.
Kỳ họp lần này cũng sẽ dành nửa ngày để lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ hai, việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức, thu hút sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân. Tuy vậy, cách thức lấy phiếu với 3 mức "tín nhiệm", "tín nhiệm cao" và "tín nhiệm thấp" còn có nhiều ý kiến trái chiều.
Tại phiên họp thường vụ, có ý kiến cho rằng nên bỏ phần thảo luận tổ, chỉ thảo luận tại hội trường. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định không thể cắt phần thảo luận này.
Để đảm bảo lịch trình, Quốc hội sẽ làm việc ba ngày thứ bảy trong thời gian diễn ra kỳ họp.
Bảo Hà