Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện hàng hoạt vụ tấn công khiến nhiều người thiệt mạng và trong tương lai, chúng có thể "giết người" bằng cách phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết. "Chúng (IS) hiện chưa có khả năng đó", ông Osborne trích dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Anh. "Nhưng chúng tôi biết IS muốn và đang hết sức mình để làm điều này".
Trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo cũng như giới bảo mật đã nhận thấy khả năng nổ ra những cuộc tấn công mạng làm tê liệt hệ thống quan trọng tại mỗi quốc gia. Những dịch vụ thiết yếu như nước sinh hoạt, điện, hệ thống giao thông vận tải và mạng truyền thông đều có nguy cơ bị khai thác. Nếu xảy ra tấn công, nó sẽ gây gián đoạn sinh hoạt hàng ngày, thậm chí hậu quả chết người. Khó có thể thống kê được thiệt hại khi cơ sở y tế mất điện hay tín hiệu đèn giao thông ngừng hoạt động.
"Hậu quả còn có thể nghiêm trọng hơn thế", Bộ trưởng Bộ tài chính Anh nhấn mạnh. "Nếu việc cung cấp điện bị gián đoạn, mất quyền kiểm soát hệ thống không lưu hay tấn công vào hệ thống trực tuyến của các bệnh viện, thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn là rất nhiều sinh mạng".
Để bảo vệ quốc gia trước những nguy cơ tấn công, chính phủ Anh đã đầu tư gần gấp đôi cho an ninh mạng trong tổng chi tiêu sắp tới, ông Osborne cho biết. Ngân sách trong vòng 5 năm tới sẽ vào khoảng 2,9 tỷ USD dành cho hàng loạt nghiên cứu, tăng cường khả năng tiêu diệt tội phạm an ninh mạng, đồng thời xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn cho cơ quan chính phủ và các dịch vụ công.
Mối đe dọa từ an ninh mạng đang tăng cao. Tính đến giữa năm 2015, Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết đã xử lý 200 sự cố an ninh mạng cấp quốc gia mỗi tháng, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tháng 4/2015, quân đội Anh đưa vào hoạt động "Đội chiến binh Facebook" dưới tên gọi Lữ đoàn 77. Tại đây quy tụ 1.500 người am hiểu về báo chí, tin tức trực tuyến, mạng xã hội như Facebook, Twitter... chịu trách nhiệm tham gia những cuộc chiến không khói súng trên mạng.
Lo ngại về việc IS gây ra chiến tranh mạng được nhà chức trách Anh đưa ra chỉ vài ngày sau khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo thực hiện vụ khủng bố đẫm máu tại Paris (Pháp) làm ít nhất 129 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Trước đó, IS đã sử dụng Internet để tuyển thành viên từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời dùng nó truyền bá những hình ảnh bạo lực.
Hiện nay, một số nước như Mỹ và Israel đã thành lập các nhóm chuyên về chiến tranh mạng. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng Israel tiên phong trong việc đào tạo những đội quân tinh nhuệ về truyền thông xã hội. Các binh sĩ Israel hoạt động tích cực trên 30 nền tảng trong đó đó Twitter, Facebook, Youtube, Instagram và sử dụng tới 6 ngôn ngữ khác nhau từ năm 2008.