Việc chính phủ Anh sử dụng Zoom cho các cuộc họp được phát hiện sau khi thủ tướng nước này, ông Boris Johnson, đăng một tweet trên Twitter, trong đó có hình ảnh ông và các thành viên chính phủ họp online. Tuy nhiên, bức ảnh để lộ nhiều thông tin, trong đó có ID cuộc họp và một loạt danh sách họp đi kèm.
Một số chuyên gia cho rằng, việc "hớ hênh" của Thủ tướng Anh, cũng như việc sử dụng Zoom cho các cuộc họp nội các có thể gây ra rủi ro bảo mật tiềm ẩn. Bộ Quốc phòng Anh cũng khuyến cáo không nên sử dụng Zoom cho các cuộc hội thoại được phân loại.
Trong một tuyên bố sau đó, người phát ngôn của chính phủ Anh cho rằng Zoom vẫn là sự lựa chọn an toàn do sử dụng phiên bản trả phí. "Trong hoàn cảnh chưa từng có hiện nay, nhu cầu về các kênh liên lạc hiệu quả quan trọng hơn sự an toàn", phát ngôn viên chính phủ Anh, cho biết. "Hướng dẫn của NCSC (Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh) nói rằng, không có lý do bảo mật nào cho thấy Zoom không được sử dụng để họp trực tuyến".
Theo BBC, thực tế chính phủ Anh đang có hệ thống họp trực tuyến qua video với độ bảo mật cao cho các cuộc họp "tuyệt mật", cùng với một hệ thống khác có tên Rosa được triển khai rộng rãi hơn cho thành viên chính phủ. Tuy vậy, do nhiều người trong đó phải làm việc tại nhà hoặc đang tự cách ly (bao gồm ông Johnson), ứng dụng Zoom đã được lựa chọn thay thế.
Trước đó, Zoom bị cáo buộc gửi thông tin cho Facebook, không được mã hóa đầu cuối, để lộ email người dùng và nhiều lỗ hổng khác, từ đó có thể khiến các thông tin bí mật về cuộc họp bị theo dõi và thu thập. Để hạn chế rủi ro, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng Zoom nên tổ chức phòng họp riêng tư, tránh đăng đường dẫn tới cuộc họp trực tuyến lên mạng xã hội và thiết lập giới hạn quyền chia sẻ màn hình.
Bảo Lâm