Bộ Pháp luật Ấn Độ tin rằng mặc dù có thể tồn tại nhiều hình thức quan hệ khác nhau trong xã hội, hôn nhân được pháp luật công nhận là dành cho các mối quan hệ khác giới và nhà nước có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì điều này.
"Việc những người cùng giới tính chung sống với tư cách bạn đời và có quan hệ tình dục không thể so sánh với khái niệm đơn vị gia đình của Ấn Độ gồm vợ, chồng và con cái", đơn đệ trình từ Bộ Pháp luật có đoạn. Tòa án không thể bị yêu cầu "thay đổi toàn bộ chính sách lập pháp của đất nước đã ăn sâu vào các chuẩn mực tôn giáo và xã hội".
![Một cuộc diễu hành ủng hộ quan hệ đồng tính ở Mumbai, Ấn Độ, hồi năm 2015. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/13/LGE6SEXWAVKLRM4EN6P2GAKL2E-5534-1678668857.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d01qeYAoKmzcowyvSIAhIw)
Một cuộc diễu hành ủng hộ quan hệ đồng tính ở Mumbai, Ấn Độ, hồi năm 2015. Ảnh: Reuters.
Trong một phán quyết lịch sử năm 2018, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã phi hình sự hóa đồng tính luyến ái, bỏ lệnh cấm quan hệ tình dục đồng tính có từ thời thuộc địa.
Ít nhất 15 đơn kiến nghị, một số từ các cặp đồng tính, đã được đệ trình lên tòa án trong những tháng gần đây yêu cầu công nhận hôn nhân đồng giới, tạo tiền đề cho một cuộc đối đầu pháp lý với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.
Châu Á phần lớn vẫn đi sau phương Tây trong việc chấp nhận hôn nhân đồng giới. Các hành vi quan hệ đồng giới vẫn bị coi là bất hợp pháp ở một số quốc gia, như Malaysia. Singapore năm ngoái chấm dứt lệnh cấm quan hệ tình dục đồng giới nhưng đã thực hiện một số bước nhằm cấm hôn nhân đồng giới.
Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong G7 không công nhận hôn nhân đồng giới, mặc dù công chúng nói chung ủng hộ điều này.
Ở Ấn Độ, vấn đề hôn nhân đồng tính rất nhạy cảm. Công khai nói về đồng tính luyến ái là điều cấm kỵ đối với nhiều người ở quốc gia 1,4 tỷ dân.
Các nhà hoạt động LGBT nói rằng phán quyết năm 2018 khẳng định quyền hiến định của họ nhưng điều bất công là họ vẫn thiếu hỗ trợ pháp lý cho các công đoàn của mình, một quyền cơ bản mà các cặp vợ chồng dị tính được hưởng.
Trong đơn gửi ngày 12/3, chính phủ Ấn Độ lập luận rằng phán quyết năm 2018 không đồng nghĩa với việc công nhận quyền hợp pháp cơ bản đối với hôn nhân đồng giới theo luật của đất nước và bất kỳ thay đổi nào về cấu trúc pháp lý đều phải do quốc hội thông qua, không phải tòa án.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)