Nhà giam được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1909, nằm ở mặt đường Lê Thánh Tông, có chiều ngang 40 m, ăn sâu vào trong núi.
Theo bia chứng tích ở trước cửa, đây là nhà tù được Pháp xây nhằm giam cầm, khủng bố các chiến sĩ cộng sản, người dân đất mỏ. Năm 1919, nhà giam này dừng hoạt động và tồn tại đến ngày nay.
Một số người cao tuổi cho hay, phần nhà giam ở phía ngoài đã bị phá, thành vỉa hè hiện nay. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, người dân bắt đầu lên trên nóc nhà tù dựng nhà sinh sống, đến nay có 9 hộ dân.
Hiện ở nhà giam, sâu trong bờ kè đá và núi vẫn còn các phòng, quanh năm tăm tối. Địa điểm này đã xuống cấp nhưng chưa có phương án trùng tu, tôn tạo nên cửa vào đóng chặt để ngăn người vào bên trong.
Ông Phạm Văn Trị, 88 tuổi, nguyên công nhân Xí nghiệp Hàng hải, dựng căn phòng khoảng 50 m2 nhà lên nóc trại giam từ năm 1961, nằm ngay trên cửa vào.
Đến năm 2001, do sập sệ, gia đình ông sửa nhà song bị chính quyền đình chỉ vì khu vực này không được phép xây dựng, sửa chữa. Nhà ông Trị đang ở vẫn lợp mái ngói đỏ, thi thoảng được sơn lại cho đỡ cũ.
Cạnh nhà ông Trị là gia đình anh Đỗ Văn Khương, 47 tuổi, đã ở 20 năm. "Nhà lụp xụp, có nhiều vết nứt nhưng không được sửa chữa, rất bất tiện và bất an", anh Khương cho biết.
Trong 9 hộ dân, có gia đình không thể sống được, lại không được phép sửa chữa nên đã chuyển đi nơi khác, để nguyên căn nhà ngày càng xuống cấp.
Ông Nguyễn Duy Dương, Trưởng khu 9 phường Hồng Gai, cho biết các hộ dân có trích đo địa chính nhưng chưa có sổ đỏ, sổ hồng và còn liên quan đến chứng tích nên không được phép xây dựng. "Dân đã kiến nghị nhiều lần, UBND phường Hồng Gai cũng ghi nhận và gửi đến cấp cao hơn để giải quyết", ông Dương nói.
Điều những người dân lo lắng nhất là nguy cơ nóc nhà giam bị sụt lún, kéo đổ nhà của họ. Cách đây 6 năm, nhà bà Hoa ở phía trên lỗ thông gió của nhà giam đã xuất hiện "hố tử thần" sâu 5 m, rộng 10 m. Khi đó, chính quyền phải đổ 50 khối bê tông phía trong nhà giam để gia cố khu vực sụt lún.
Hiện nay, nóc nhà giam vẫn thường xuất hiện vết nứt. Người dân rất lo, mong mỏi được tái định cư ở nơi khác.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Hạ Long, cho biết 9 hộ dân trên nóc nhà giam nằm trong danh mục những khu vực có nguy cơ sụt lún cần di dời. "Chúng tôi đang làm thủ tục xin tỉnh công nhận chứng tích nhà giam là di tích, khi đó sẽ lên phương án di dời dân", ông Tuấn thông tin.
Lê Tân