Chiều qua, chiếc máy bay mang số hiệu VN-A688 của Vietjet Air cất cánh từ Đà Lạt đi Hà Nội. Khi về đến sân bay Nội Bài, tổ bay phát hiện xác một con chim nằm trong động cơ. Để đảm bảo an toàn, ngay lập tức hãng đã cho chiếc máy bay vào xưởng kiểm tra, không tiếp tục thực hiện các chuyến trong ngày. Hàng trăm hành khách sau đó đã nhận được email, tin nhắn hoặc cuộc gọi thông báo về việc thay đổi lịch trình.
Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, có tới hai máy bay của hãng bị chim "tấn công". Sáng 25/7, chiếc máy bay mang số hiệu VN-A689, cũng từ Đà Lạt đi Hà Nội đã bị chim lọt vào động cơ. Hôm đó, động cơ bị hỏng khá nặng phải nằm xưởng hơn một ngày để sửa chữa, thay thế.
Trước đó, cũng đã có nhiều sự cố tương tự xảy ra với các hãng hàng không khác. Hôm 16/4 vừa rồi, gần 140 hành khách đến sân bay Vinh làm thủ tục bay vào TP HCM trên chuyến bay của Jetstar Airlines bị hoãn vì một con chim va vào động cơ.
Vietnam Airlines cũng gặp chuyện tương tự khi một chú chim sa vào động cơ máy bay lúc chuẩn bị hạ cánh tại sân bay Nha Trang, khiến máy bay phải đi sửa chữa.
Động cơ là một trong những bộ phận đắt nhất của máy bay, mỗi chiếc có giá thành tính bằng triệu đôla. Do giá đắt, các hãng hàng không thường không dự trữ sẵn nhiều động cơ ở trong kho và lúc hết hàng phải nhập từ Singapore về để thay thế.
Theo giới chuyên gia hàng không, chim va động cơ là sự cố không hiếm dù một số sân bay có đặt máy đuổi chim. Phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh. Tốc độ máy bay và chim càng chênh lệch thì tác động của vụ va chạm càng đối với máy bay càng lớn. Khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt. Chiếc cánh gãy có thể bị hút sâu vào bên trong động cơ và làm hỏng các bộ phận khác.
Thanh Bình