Giới chức Bangladesh cho biết số người chết do thảm họa chìm tàu ở Narayanganj hôm nay tăng lên 26 người, sau khi lực lượng cứu hộ kéo con tàu khỏi mặt nước và phát hiện thêm nhiều thi thể bên trong.
Con tàu được kéo khỏi dòng sông ô nhiễm Shitalakshya trước sự chứng kiến của hàng trăm người bên hai bờ sông.
"Chúng tôi tìm thấy 21 thi thể hôm nay sau khi kéo tàu khỏi mặt nước", Mustain Billah, quan chức địa phương, cho biết.
Tàu Sabit Al Hasan cao một tầng rưỡi chìm sau khi va chạm với một tàu chở hàng lớn hơn hôm 4/4. Một thanh tra cảnh sát địa phương cho hay tàu chật cứng người sau khi chính phủ tuyên bố sẽ áp đặt lệnh phong tỏa 7 ngày trên toàn quốc để ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trong những ngày gần đây.
Tàu chở ít nhất 46 người khi bắt đầu rời bến từ Narayanganj, cách thủ đô Dhaka khoảng 20 km.
"Khoảng 20 người đã bơi tới nơi an toàn sau khi tàu chìm", Billah nói, cho hay một số người có thể vẫn mất tích. "Chúng tôi đã yêu cầu điều tra".
Cảnh sát trưởng địa phương Dipak Saha cho hay nỗ lực cứu hộ gặp trở ngại trong nhiều giờ vì một cơn bão mạnh đổ bộ sau tai nạn.
Theo lệnh phong tỏa mới, các dịch vụ đi lại nội địa bao gồm xe khách, tàu thuyền, tàu hỏa và máy bay sẽ phải ngừng hoạt động từ 5/4. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chỉ được phép duy trì đội ngũ nòng cốt.
Tai nạn tàu phà rất phổ biến ở Bangladesh, quốc gia vùng đồng bằng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Hàng triệu người phụ thuộc vào phà để di chuyển, đặc biệt là vùng duyên hải phía nam đất nước. Các chuyên gia cho rằng bảo trì kém, tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo tại các nhà máy đóng tàu và tình trạng quá tải là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn.
Tháng 6 năm ngoái, một chiếc phà chìm ở Dhaka sau khi bị một phà khác đâm vào từ phía sau, khiến ít nhất 32 người thiệt mạng. Tháng 2/2015, ít nhất 78 người chết sau khi một con tàu chở quá tải va chạm với thuyền chở hàng ở một con sông thuộc miền trung đất nước. Số vụ tai nạn có xu hướng giảm trong những năm gần đây do chính quyền siết chặt quản lý.
Hồng Hạnh (Theo AFP)