Con chim bị chôn vùi và đông cứng trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu gần làng Belaya Gora ở đông bắc Siberia. Mootk nhóm thợ săn ngà voi hóa thạch ở địa phương phát hiện con chim và giao cho các chuyên gia Nicolas Dussex và Love Dalén ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển để kiểm tra.
Kết quả xác định niên đại bằng phóng xạ carbon hé lộ con chim sống cách đây khoảng 46.000 năm. Phân tích di truyền cho thấy nó thuộc loài sơn ca có sừng (Eremophila alpestris), theo nghiên cứu công bố hôm 21/2 trên tạp chí Communications Biology.
Dalén cho biết con chim có thể là tổ tiên của hai phân loài sơn ca còn sống ngày nay, một loài ở miền bắc nước Nga và loài còn lại ở thảo nguyên Mông Cổ. "Phát hiện này chỉ ra biến đổi khí hậu diễn ra cuối kỷ Băng Hà cuối cùng đã dẫn tới sự hình thành các phân loài mới", Dalén nói.
Tình trạng của con chim đặc biệt tốt, chủ yếu do nhiệt độ lạnh của lớp đất đóng băng vĩnh cửu. "Thực tế một mẫu vật nhỏ và dễ hư hỏng như vậy gần như nguyên vẹn chứng tỏ đất bùn lắng đọng từ từ, hoặc ít nhất lớp đất tương đối ổn định. Nhờ đó, xác con chim được bảo quản trong trạng thái rất gần thời điểm nó chết", Dussex cho biết.
Bước tiếp theo của nghiên cứu là giải trình tự toàn bộ hệ gene của con chim. Theo nhóm nghiên cứu, điều này sẽ hé lộ nhiều thông tin hơn về quan hệ của nó với các phân loài ngày nay và giúp ước tính tốc độ tiến hóa ở chim sơn ca.
Các nhà khoa học làm việc trong khu vực cũng tìm thấy xác và bộ phận cơ thể của nhiều loài động vật khác như chó sói, voi ma mút và tê giác lông xoăn. Dussex mô tả những phát hiện như vậy có ý nghĩa vô giá bởi nhờ đó, giới nghiên cứu có thể thu thập ADN và ARN của các sinh vật cổ đại, mở ra cơ hội tìm hiểu quá trình tiến hóa của hệ động vật kỷ Băng Hà và phản ứng của chúng trước biến đổi khí hậu cách đây 50.000 - 100.000 năm.
An Khang (Theo CNN)