![]() |
Chim hoang dã, bị nghi ngờ là nguồn lây lan virus cúm gà, vẫn được bán dự do trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
"Ngay cả sự lây lan rất nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác của Việt Nam cũng khiến chúng tôi nghiêng nhiều hơn về giả thiết này", ông Năm nhận định.
Những nghiên cứu trước đây về dịch cúm gà ở Hong Kong cho thấy H5N1 có thể xuất hiện trong cơ thể một số loài chim, gia cầm nhưng không gây bệnh ngay cho vật chủ. Những loài này có thể trung chuyển virus từ vùng này sang vùng khác và gây bệnh ngay lập tức cho gà, chim cút. Tiến sĩ Năm nói: "Thời gian ủ bệnh ở gà chỉ khoảng vài giờ đến 3 ngày, nhưng ở ngan, vịt thì có thể lên tới 20-30 ngày. Còn đà điểu hoặc một số loài chim hoang dã có thể mang virus mà không mắc bệnh".
Nếu giả thiết này là đúng thì việc ngăn chặn dịch cúm gà sẽ rất khó khăn. Số gia cầm nuôi thả trên cả nước rất lớn, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung - nơi mới lác đác xuất hiện các ổ dịch nhỏ. Cách thức chăn nuôi này khiến gia cầm dễ dàng tiếp xúc với chim hoang dã. "Chúng tôi khuyến cáo người dân nên nhốt gia cầm trong thời gian có dịch, đồng thời không nhốt chung gà với các thủy cầm như ngan, vịt, ngỗng... Đây là một trong các biện pháp cần thực hiện ngay lập tức, ngoài tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch và cấm vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác", ông Năm nhấn mạnh.
Một số giả thiết khác về đường lây nhiễm H5N1 cũng đang được nghiên cứu như: Gia cầm có thể nhiễm bệnh qua thức ăn, bởi hầu hết các trại gà lấy giống và thức ăn của Công ty CP Việt Nam bị cúm gà tấn công; hay dòng chảy sông suối cũng có thể mang virus cúm từ vùng này đến vùng khác, làm dịch lan rộng.
Đến hôm nay (2/2), dịch cúm gà đã lan rộng trên địa bàn 47 tỉnh, thành phố, với gần 7 triệu gia cầm bị chết và tiêu hủy. 2 tỉnh khác là Quảng Ngãi và Kon Tum cũng đã xuất hiện cúm gà, song Cục Thú y chưa nhận được báo cáo chính thức từ địa phương.
Sáng 31/1, một ngày sau khi Chính phủ triệu tập cuộc họp khẩn cấp về chống dịch gia cầm và dịch cúm A ở người, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi kiểm tra phòng chống dịch bệnh cúm gà tại Bắc Ninh. Phó thủ tướng chỉ đạo, bằng mọi cách phải giữ được trại gà giống bố mẹ 61.000 con của Công ty Nông sản Bắc Ninh, lớn nhất phía Bắc, chưa bị nhiễm bệnh. Ông yêu cầu mở rộng phạm vi bao vây tiêu diệt gia cầm ra xa hàng rào trại.
Chiều nay, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch gia cầm sẽ có cuộc họp bàn biện pháp chặn đứng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất và khôi phục lại ngành chăn nuôi gia cầm sau vụ dịch. Vấn đề lớn nhất đặt ra là làm thế nào để có đủ giống sạch cung cấp cho người chăn nuôi.
Đến nay, Cục Thú y vẫn chưa cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm sử dụng vacxin chống cúm H5N1. Lý do là có ý kiến lo ngại vacxin giúp gà không phát bệnh nhưng lại trở thành ổ chứa tự nhiên truyền cho đàn gia cầm khác chưa được tiêm phòng.
Việc tiêm vacxin phòng cúm người cho cán bộ thú y, người dân trong vùng dịch đang được Bộ Y tế bàn bạc. Các chuyên gia dự phòng hy vọng biện pháp này có thể ngăn chặn virus H5N1 lây sang những người bị cúm, tái tổ hợp để có khả năng lây từ người sang người. Chiều qua, Cục Thú y đã gửi thông báo yêu cầu các địa phương cập nhật danh sách những người có nguy cơ cao chậm nhất là vào cuối buổi chiều mai.
Đêm qua, một bệnh nhân 18 tuổi, người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng, đã chết sau khi vào Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM hôm 29/1. Xét nghiệm cho thấy thanh niên này nhiễm H5N1. |
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho biết, số người nghi nhiễm cúm A vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Toàn quốc đã có hơn 70 ca nghi nhiễm, trong đó 21 người tử vong. Tuy nhiên mới có 11 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với H5N1. Số bệnh nhân này sống ở 7 tỉnh, thành. Sáng nay, Thứ trưởng Y tế Trần Chí Liêm về các địa phương có bệnh nhân để tiếp tục nghiên cứu về khả năng virus H5N1 lây từ người sang người. Các chuyên gia đã có những nhận định ban đầu về khả năng này trên diện hẹp là giữa người cùng huyết thống, cùng đặc điểm di truyền về hệ miễn dịch... nhưng chưa có bằng chứng cụ thể được công bố.
Thiên Đức