Những ngôi nhà cổ, dòng sông Hoài nên thơ, cảnh sinh hoạt đời thường và các món ăn truyền thống từ lâu đã làm nên sức hút của thành phố Hội An. Bao khách lãng du đến thăm nơi này đều háo hức canh đúng ngày 14 Âm lịch để trải nghiệm những điều thú vị trong đêm phố cổ.
Tuy vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần, nơi đây đều tổ chức đêm hội, nhưng hình ảnh của Hoài phố đêm Rằm vẫn quyến rũ hơn cả bởi mối giao duyên kỳ diệu giữa ánh trăng, ánh đèn lồng và hoa đăng lấp lánh. Khi hầu hết ánh điện đều vụt tắt, ánh sáng lung linh, nguyên sơ của đèn dầu, nến, đèn lồng và hoa đăng… bỗng quyến rũ hơn bao giờ hết.
Đời sống cư dân phố cổ xưa được tái hiện với những gánh ẩm thực đêm dọc đường Bạch Đằng bên sông Hoài. Bạn cũng đừng quên ghé qua thưởng thức cao lầu, xiên thịt nướng, miếng bánh tráng đập, chè bắp… và trò chuyện cùng cô chủ hàng trong trang phục xưa rất thú vị. Quán lao xao người mà chẳng ồn ào bởi ai cũng mải mê khám phá thú vui ẩm thực thanh nhã trong ánh đèn dầu lan tỏa.
Ngồi trong quán nhìn ra, dòng sông lấp lánh ánh sáng, còn ngẩng lên lại thấy trăng rất gần. Đâu đó, vẳng lại tiếng trẻ con học hát dân ca, tiếng hô hát bài chòi “Lấy chồng từ thưở mười ba. Đến năm mười tám thiếp đà năm con”... làm sống lại ký ức thơ ấu của bao người. Khách có thể dừng chân mua một vài chiếc hoa đăng, rồi ngồi thuyền ra giữa dòng sông Hoài thả trôi. Những đóa hoa đăng trôi giữa dòng hợp thành dải ánh sáng huyễn hoặc, mang theo lời nguyện ước bình an, lấp lánh hy vọng.
Càng về khuya, phố lặng thinh tưởng như nghe được tiếng rêu trở mình trên mái ngói. Qua bao vật đổi sao dời, phố vẫn bình yên như nghìn đời vẫn thế. Tiếng nhạc không lời phát ra từ những chiếc loa thả vào lòng đêm những suy tư dường lâu lắm mới bắt gặp giữa dòng đời hối hả. Một khoảnh khắc sống chậm thật trọn vẹn cùng đêm rằm phố Hội để những tâm hồn mỏi mệt tìm về nương náu.
Sẽ không quá lời khi ca ngợi Huế là kinh đô ẩm thực Việt bởi nơi đây ngoài những món cung đình cầu kỳ, mà còn có các món ngon dân dã, đậm đà... Thật khó cưỡng trước một tô bún bò nghi ngút khói với sợi bún trắng tròn, bắp bò, chả viên thơm lựng ngập trong nước dùng cay cay. Cơm hến, bún hến đúng chất có hến xào, đậu phộng, tóp mỡ, dầu ăn, mắm rốc, rau mùng... dù có xuýt xoa, bạn vẫn muốn ăn thêm tô nữa. Bánh khoái, bánh bèo, nậm, lọc nghe tên là thấy khoái bởi sức hấp dẫn của lớp nhân béo ngậy, đầy ắp tôm thịt tươi rói. Ngoài ra, xứ Huế còn có nhiều món ăn chơi mà ngon thiệt như chè Hẻm, chè bột lọc bọc thịt quay, bánh canh Hàn Thuyên...
Nhiều người từng ví von, nếu đi dạo một vòng Hội An chỉ mất nửa buổi thì muốn thưởng thức hết đặc sản phải mất 2-3 ngày. Cao Lầu là một trong những món tiêu biểu ở Hoài Phố với sợi cao lầu màu nước tro đặc trưng, ăn kèm thịt xá xíu, rau sống, xì dầu, tương ớt. Dễ ăn nhất là cơm gà với những hạt cơm khô vừa chín tới, thịt gà mềm thơm, trộn thêm rau răm, hành tây… mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Bánh bao, bánh vạc với vỏ bánh trong suốt có nhân tôm thịt giã nhuyễn, nấm mèo cũng lấy lòng không ít người.
Trong hành trình tìm về với ký ức của phố Hội, thật thiếu sót khi không nhắc đến một địa danh đẹp, rất gần với xứ sở này là Đà Nẵng. Thành phố biển ngoài cảnh đẹp quyến rũ, còn nổi tiếng với các món ngon đậm đà hương vị biển. Chẳng hạn, món bún chả cá ngon bởi nước dùng hầm từ xương cá vị ngọt thanh, ít bí đỏ bùi bùi, cà chua, măng và ruốc làm cồn cào thực khách. Gắp một miếng bún, kèm miếng chả cá vàng ươm kèm ít rau sống… húp nước “rột” một cái. Chao ôi, thật khó cầm lòng trước một tô bún như thế!
Ngoài ra, các món như gỏi cá Nam Ô chính là bản hòa tấu của rừng và biển khi kết hợp miếng cá trích tươi rói và các loại rau rừng. Trộn đều gỏi cá cùng nước chấm, cuốn bánh tráng kèm rau rừng cho vào miệng, vị ngon thấm thía, khiến người ta thòm thèm ăn hết lúc nào không hay biết.
Mai Thương