Ngày 9/12, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết đàn cú cá (còn gọi là chim dù dì hung) với ít nhất 4 con, gồm chim bố, mẹ và hai chim con, xuất hiện tại đây vài ngày qua, sau nhiều năm vắng bóng.
Chim cú cá nguồn gốc từ vùng Tây Á, con trưởng thành cao khoảng 60 cm, được liệt vào danh sách bị đe dọa. Chim mái thường chỉ đẻ 1-2 trứng mỗi lần. 10 năm trước chúng từng được ghi nhận ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, nhưng từ đó đến nay không còn được nhìn thấy.
Theo ông Dũng, trong 4 con chim cú cá được phát hiện, ông nhận ra một con mình từng nhặt được khi đi kiểm tra rừng và đem về chăm sóc gần một năm trước. Quá trình nuôi dưỡng nó tại khu hành chính cơ quan, chim bố và mẹ hàng đêm vẫn đem mồi đến cho chim con ăn. Sau khoảng 3 tuần, chim con biết bay, ông đã thả nó về rừng cùng bố mẹ.
Gần đây, con chim cú cá này trở lại cùng ba con khác gần khu nhà hành chính của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, nơi từng được nuôi dưỡng. "Nó đáp xuống kêu réo và đợi tôi lấy cá cho ăn", ông Dũng nói và cho biết loài chim này rất thông minh, luôn sống gắn liền với nơi sinh ra và chỉ khi nào rừng bị tàn phá mới bỏ đi. Chim con trưởng thành, sinh sản sau khoảng một năm tuổi.
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu (người chụp hàng nghìn bức ảnh về hơn 500 loài chim quý của Việt Nam) cho biết, hiện chưa ghi nhận loài chim quý này xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác ở Việt Nam. Theo ông, có thể loài chim này vẫn sống ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nhiều năm qua và làm tổ trên những cây cao. Tuy nhiên, do chúng thường xuất hiện vào ban đêm và ở vùng sông nước nên ít người nhìn thấy chúng.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất cả nước với diện tích tự nhiên khoảng 42.000 ha. Nơi đây có 101 loài chim sinh sống. Trong đó, 7 loài đang bị đe dọa cấp quốc gia, 7 loài bị đe dọa cấp toàn cầu.
An Minh