![]() |
Gà gô đỏ đang mất dần nơi sinh sống trên các đầm lầy. |
Sức ép của hơn 6,2 tỷ người đã đẩy 12% trong số 9.800 loài chim trên thế giới tới nguy cơ tuyệt chủng. Các loài còn lại đều đang có dấu hiệu nghẹt thở vì sự lấn át của con người.
Riêng với khu vực đảo, tình hình còn tồi tệ hơn nữa. Từ khi con người xuất hiện ở đây, chim ở những vùng này luôn ở trong tình trạng sắp bị tuyệt chủng. Từ đầu thế kỷ 16 đến nay, 93% loài đã chết sạch. Đến nay, nhiều loài sống trên đất liền cũng phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa như: mất nơi sinh sống, bị loài khác tấn công, hoá chất, săn bắn, câu cá và biến đổi khí hậu.
Trước hết, việc mất dần nơi ở là mối đe doạ lớn nhất với các loài chim. Khoảng 25% chim trên thế giới sinh sống trong vòng không quá 50.000 km2, rất nhiều trong số đó chỉ còn một mảnh đất nhỏ để trú chân. Nạn chặt phá rừng đã gây nguy hiểm tới 85% các loài thuộc loại quý hiếm nhất trên thế giới. Việc thay thế rừng tự nhiên bằng các khu độc canh không giúp ích mấy cho sinh vật. Hiện tượng các khu đầm lầy và bãi cỏ mất dần đi cũng góp phần quét sạch nơi cư trú của nhiều loài, đặc biệt là những loài di cư chuyên kiếm thức ăn và tá túc tại đó.
![]() |
Nạn chặt phá rừng đã gây nguy hại tới loài cú đốm. |
Tiếp đó, khoảng 25% dân số chim đang bị các loài như rắn, chuột, mèo, côn trùng... đe dọa. Rắn nâu đã tiêu diệt 12 trong số 14 loài chim ở đảo Guam vào thập niên 80. Mèo nhà và mèo hoang cũng góp phần làm tuyệt chủng 22 loài. Người ta ước tính mỗi năm chúng giết 1 tỷ con chim ở Mỹ. Một số loài côn trùng còn đe doạ trực tiếp tới tính mạng chim, như kiến vàng khùng ở Australia hay muỗi mang virus West Nile.
Ngoài ra, những con chim ở biển thì bị ảnh hưởng bởi dầu tràn. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu đã tiêu diệt hàng triệu con chim nước và trên đất liền. Đánh bắt cá cũng đẩy 23 loài chim biển tới nguy cơ biến mất. Đồng thời, 1/3 số vẹt trên thế giới đối mặt với nạn tuyệt chủng do con người bắt làm vật nuôi.
Cuối cùng, biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố đe dọa loài chim. Một số loài chim di cư đã phải thay đổi thời gian chuyển đến những nơi làm tổ do khí hậu thay đổi, điều này gây bất ổn tới sự sống của chúng.
Howard Youth, một trong số những tác giả của bản báo cáo Thông điệp có cánh: Sự suy giảm của các loài chim, cho biết: "Làn sóng tuyệt chủng này sẽ còn mang tới những hậu quả vượt xa số phận tức thời của các loài chim. Sự suy giảm dân số của chúng đã đánh dấu sự mất cân bằng của thế giới tự nhiên". Youth cũng giải thích, chim là những chỉ thị thời tiết đáng giá. Sự sụt giảm hay gia tăng dân số của chúng có thể là những cảnh báo sớm về các vấn đề môi trường.
Minh Thi (theo ENS)