Chim cánh cụt không phải là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu như nhiều người thường nghĩ. Các nhà khoa học phát hiện một nhóm chim cánh cụt nhỏ (Eudyptula minor), loài chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới, trên đảo Phillip, Australia, có tỷ lệ ly hôn cao gấp nhiều lần con người, Science Alert hôm 1/2 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Ecology and Evolution.
Qua 12 mùa sinh sản, các nhà khoa học từ Đại học Monash đếm được gần 250 vụ ly hôn trong một nhóm gần 1.000 cặp chim cánh cụt. Điều này tương đương khoảng 21 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2013. Trong khi ở Mỹ, tỷ lệ ly hôn hàng năm của con người là khoảng 2,4 trong 1.000 cặp đôi, thấp hơn gần 10 lần so với loài chim cánh cụt này.
Trong nghiên cứu, một vụ ly hôn được tính khi một con chim cánh cụt gắn thẻ theo dõi từ mùa sinh sản trước đó xuất hiện trở lại với bạn đời mới. Quần thể chim cánh cụt nhỏ trên đảo Phillip gồm hơn 37.000 con, nhưng theo nhóm nghiên cứu, kích thước mẫu của họ là một chỉ số tốt về tình hình ở quy mô rộng hơn.
Quyết định rời bỏ hay ở lại trong một mối quan hệ của chim cánh cụt thường dựa trên con cái. "Trong thời kỳ thuận lợi, chúng thường giữ nguyên bạn đời, dù có thể có một chút hành vi ngoài luồng. Nhưng sau một mùa sinh sản kém, chúng có thể tìm bạn đời mới cho mùa tiếp theo để tăng khả năng sinh sản thành công", nhà sinh thái học Richard Reina tại Đại học Monash giải thích.
Chim cánh cụt nhỏ không phải loài duy nhất phá vỡ ảo tưởng của con người về sự chung thủy trong tự nhiên. Ví dụ, chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) và chim cánh cụt Adélie (Pygoscelis adeliae) đôi khi có hành vi ngoài luồng ngay cả khi đã kết đôi, đồng nghĩa chúng không thực sự chung thủy về mặt tình dục. Một nghiên cứu từ năm 1999 cho thấy, chỉ 15% chim cánh cụt hoàng đế vẫn ở với cùng bạn đời trong các mùa sinh sản liên tiếp.
Ly hôn có thể là dấu hiệu của thời kỳ khó khăn, nhưng không phải lúc nào cũng là lựa chọn tồi. Trong một số trường hợp, đây trở thành rủi ro cần thiết, đặc biệt sau một mùa sinh sản thất bại.
"Ly hôn có thể là một chiến thuật thích nghi để tăng khả năng sinh sản thành công trong dài hạn, nhất là khi thành công sinh sản trước đó thấp, một bạn đời chất lượng cao hơn xuất hiện, các sự kiện môi trường ngăn cản hoặc trì hoãn việc tái kết đôi", nhà khoa học biển Andre Chiaradia từ Đại học Monash, một trong những tác giả của nghiên cứu mới, giải thích.
Vấn đề ở đây là cân nhắc rủi ro ngắn hạn với lợi ích dài hạn. Nhóm nghiên cứu cho biết, phát hiện mới cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét các động lực xã hội khi nói đến bảo tồn động vật.
Thu Thảo (Theo Science Alert)