Theo báo cáo khoa học đăng trên tạp chí PNAS, vấn đề này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, chừng nào con người chưa hành động ngăn chặn dòng rác thải chảy vào đại dương, BBC ngày 31/8 đưa tin.
Erik Van Sebille, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, đại dương hiện nay đang chứa đầy rác thải nhựa. Theo ước tính, lượng rác thải nhựa trôi ra đại dương hiện nay khoảng 8 triệu tấn/năm. Đến năm 2050, bất kỳ con chim biển nào chết cũng sẽ có một ít nhựa trong dạ dày.
Ngày càng nhiều loại mảnh nhựa trôi ra biển, gây tác hại cho môi trường biển và động vật hoang dã. Khi chim đi kiếm ăn, chúng có thể nhầm lẫn bật lửa, nắp chai với cá. Nếu nuốt phải, rác thải nhựa sẽ nằm lại trong ruột, không thể đào thải, khiến sức khỏe con vật gặp rủi ro.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Anh và Australia đã rà soát lại tài liệu trong nhiều thập kỷ để theo dõi số lượng chim biển nuốt phải mảnh nhựa. Kết quả cho thấy, có chưa đầy 5% số lượng chim có mảnh rác nhựa trong dạ dày vào năm 1960. Hiện nay, con số này khoảng 90%. Nhóm nghiên cứu dự báo tỉ lệ này sẽ tăng lên 99% vào năm 2050.
"Nhựa nằm bên trong cơ thể chim biển xuất hiện ở khắp mọi nơi, và nó đang không ngừng gia tăng," BBC dẫn lời Wilcox, tác giả chính của nghiên cứu thuộc Cơ quan nghiên cứu liên bang của Australia (CSIRO), cho hay.
Vùng có nguy cơ rủi ro cao nhất không phải là "bãi rác nhựa" khổng lồ trôi nổi trên các đại dương, mà là vùng biển phía nam gần Australia, Nam Phi và Nam Mỹ, nơi hầu hết các loài chim sinh sống ở .
Lê Hùng