Chiếc thẻ đỏ ngay phút 20 mà Carlos Zambrano của Peru phải nhận là một quyết định nặng tay. Bàn mở tỷ số của Eudardo Vargas trước khi hiệp một kết thúc khoảng ba phút có vẻ như được ghi trong tư thế việt vị. Đấy là hai tình huống nổi cộm nhất của trận bán kết đầu tiên (diễn ra sáng nay 30/6 theo giờ Hà Nội), cho thấy phần nào sự ưu ái mà Chile được nhận.

Zambrano (trắng) bị thẻ vàng, dù Vidal mới là người ra tay. Ảnh: Reuters.
Trên trang Dirty Tackle, bên cạnh những thông số thông thường của trận đấu như số cú sút trúng đích, tỷ lệ kiểm soát bóng, việt vị, phạt góc, ném biên... còn có một thống kê châm biếm khác. Đó là số lần trọng tài đứng về phe nào trong các quyết định tranh cãi. Tỷ số là 4-0 nghiêng về Chile.
Trong tình huống Zambrano phải nhận thẻ đỏ rời sân, truyền hình chỉ chiếu lại đúng hai lần cho dù đó là pha bóng làm ảnh hưởng lớn đến cục diện trận đấu. Nhưng cũng chỉ cần hai lần ít ỏi ấy, người hâm mộ cũng thấy được hậu vệ trụ cột của Peru không hề cố ý. Đó chỉ là một pha phá bóng rồi lỡ trớn đưa chân vào người cầu thủ đối phương, trong một pha va chạm diễn ra xa khung thành. Nhưng trọng tài người Venezuela Jose Argote đã sốt sắng rút ra một chiếc thẻ đỏ trực tiếp.

Người hâm mộ Chile tỏ ra hân hoan khi đội nhà vào đến trận đấu cuối cùng. Ảnh: Reuters.
Ở tình huống mà Chile mở tỷ số, đạo diễn hình cũng không cho ra góc quay ngang để biết xem tình huống ấy có việt vị hay chưa. Nhưng nhiều phóng viên nổi tiếng khi xem trận đấu đều hoài nghi đấy là một bàn sai luật. Đầu trận, khoảng phút thứ bảy, Zambrano và Vidal đã va chạm với nhau ở sát đường biên ngang. Trong tình huống ấy Vidal đã túm cổ Zambrano, nhưng trọng tài không hề phạt tiền vệ người Chile, thay vào đó là một chiếc thẻ vàng cho cầu thủ Peru.
Những quyết định đáng ngờ ấy phải chăng xuất phát từ năng lực kém cỏi của trọng tài Jose Argote? Không hẳn bởi đấy là một... hệ thống. Ngay trong trận ra quân, khi Chile gặp rất nhiều khó khăn trước Ecuador, họ cũng được trọng tài dành cho một quả phạt đền từ pha ngã vờ đầy tiểu xảo của Vidal. Tại giải lần này, Chile chính là đội được hưởng phạt đền nhiều nhất (hai lần). Trong bảy chiếc thẻ đỏ tại giải, có ba chiếc được dành cho các đối thủ của đội chủ nhà.
Làm mọi cách để vô địch
Ở tứ kết, trọng tài người Brazil Sandro Ricci chỉ cần vừa nhìn thấy Gonzalo Jara ngã lăn ra là lập tức truất quyền thi đấu của Edinson Cavani. Sau này người ta phát hiện ra Jara mới là trùm tiểu xảo. Anh chọc ngón tay vào chỗ kín của Cavani, anh phun ra những lời lẽ vô học về bố của Cavani, nhưng vì tiền đạo của Uruguay không tức giận phản ứng nên anh dùng luôn "tuyệt chiêu cuối" là ăn vạ. Hai trận knock-out, Chile đều đi tiếp nhờ các quyết định tranh cãi. Những sự kiện của họ rất giống với cách Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup 2002 vốn được tổ chức chung với Nhật Bản.
Chile rất muốn vô địch giải đấu này. Họ đá sân nhà, đang sở hữu một thế hệ vàng và chưa từng chạm tay vào vinh quang Copa trong lịch sử. Nhưng chức vô địch ấy liệu có xứng đáng và vinh quang không khi họ dùng mọi tiểu xảo để đạt được mục tiêu. Ngay từ đầu Chile đã xếp lịch có lợi cho mình. Việc các đội mạnh như Colombia, Argentina, Brazil... rơi cả vào một nhánh, trong khi nhánh của Chile toàn đối thủ nhẹ ký có thể được lý giải là do lá thăm rủi, nhưng cách họ xếp lịch thì rõ ràng có sự tính toán.

Chile (áo đỏ) đang dần đạt được mục đích nhưng theo cách thiếu minh bạch. Ảnh: Reuters.
Có lẽ Copa America là giải đấu duy nhất mà bốn trận tứ kết đá bốn ngày khác nhau. Thế là mặc nhiên Chile (đá trận sớm nhất) có một lèo bốn ngày nghỉ, nhiều hơn các đối thủ ít nhất là một ngày. Khi vào chung kết, họ cũng mặc nhiên lợi hơn một ngày nghỉ nữa. Cũng vì quá thèm khát chức vô địch, chính quyền nước này đã mặc nhiên tha thứ cho Vidal, người gây tai nạn giao thông khi đang say rượu sau loạt trận thứ hai.
Chile từng gây rất nhiều thiện cảm cho người hâm mộ vì cách chơi tấn công quyến rũ. Nhưng đến Copa này, bao nhiêu ấn tượng họ gầy dựng bỗng dưng bị hủy hoại. Chile đã vào trận chung kết đầu tiên sau 28 năm, nhưng con đường hy vọng của bóng đá nước này lại phủ đầy bóng tối của hoài nghi và tiêu cực.
Hoài Thương