- "Nhật ký chàng ngác ngơ" là tác phẩm đầu tiên ghi nhận chị trong vai trò đạo diễn. Chị áp dụng được bao nhiêu kiến thức đã học vào vở đầu tay này?
- Tôi không chắc chắn 100%, chỉ dám nói những gì chúng tôi đang làm là tất cả năng lượng được huy động, không chỉ trí óc mà cả nghệ thuật. Chúng tôi như đang say trong men rượu, sung sức và hoàn toàn tự tin. Còn đánh giá tác phẩm như thế nào, cái đó xin nhường khán giả.
- Đạo diễn kiêm diễn viên chính, thậm chí là giám đốc dự án vở diễn, sao chị không giao bớt trách nhiệm cho người khác để có thể dồn hết tâm sức cho một việc?
- Có thể nhiều người nghĩ tôi tham. Tham nhưng vẫn phải làm. Để mời được diễn viên giỏi đảm nhiệm một vai khó không phải dễ, để vai diễn ấy mang đầy đủ màu sắc cần thiết, kéo khán giả đến với mình cũng không phải dễ... "Tham" là điều nhiều người cảm nhận, nhưng việc phải làm thì tôi vẫn cứ làm thôi.
![]() |
Diễn viên Chiều Xuân. (Ảnh nghệ sĩ cung cấp) |
- Một mình đảm nhiệm 4 nhân vật, chị làm cách nào để điều chế cảm xúc cho mỗi vai diễn?
- Tôi sẽ tìm cho mỗi nhân vật một tính cách khác nhau, nhưng được khắc họa rõ nét. Sân khấu phải là nơi đánh thức được khán giả, vì thế tôi sẽ cố gắng để gây ấn tượng ngay từ giây phút đầu tiên.
- Chị xử lý thế nào với kịch bản gốc mang tên "Sự phiêu lưu của tâm hồn" của đạo diễn Lê Hoàng?
- Nói sáng tạo thì không dám, nhưng tôi có biên tập lại chút ít bằng cách phả vào vở diễn hơi thở trẻ trung, tươi tắn. Khi gọi cho anh Lê Hoàng đề đạt nguyện vọng, anh ấy nói: "Thân anh mà anh còn chẳng tiếc. Em muốn làm gì thì làm đi". Nói thế thôi, nhưng tôi biết rằng với con người Lê Hoàng, chắc chắn tin tưởng thì anh ấy mới giao cho tôi toàn quyền xử lý như vậy.
- Với vở diễn mà tính hư hư, thực thực đan xen, chị làm cách nào để khán giả dễ dàng nhận thức hết ý nghĩa?
- Những gì tôi mang vào vở diễn là tất cả tâm huyết, chuyên môn và sự hiểu biết cuộc sống thực. Kịch bản của anh Lê Hoàng là một thách thức với tôi, tuy nhiên quan trọng là cách xử lý và thể hiện như thế nào. Khi người ta bước qua ngưỡng và nhìn lại, với những kinh nghiệm cuộc sống mà tôi và êkíp diễn viên đã có, tôi tin vở diễn không khó xem, ngược lại đơn giản, dễ hiểu và rất hấp dẫn.
- Kinh phí cho vở diễn 200 triệu đồng được tài trợ hoàn toàn. Chị sẽ làm gì nếu không có mạnh thường quân?
- Có lẽ còn phải suy nghĩ. Bởi sau 4 buổi công chiếu (từ 6 đến 9/4) ở rạp Chuông Vàng, vở diễn sẽ phải xếp lại bởi đội ngũ kỹ thuật âm thanh, ánh sáng - những thứ chiếm tới 30% thành công - đã hết lịch diễn. Chính vì tâm huyết muốn đưa tác phẩm đến với đông đảo công chúng, tôi đã cố gắng thuyết phục Đài truyền hình Việt Nam truyền trực tiếp vào tối 8/4.
- Chị nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng, có người bỏ tiền ra chỉ để giúp chị lấy tiếng sau khi kết thúc khóa học đạo diễn, còn nếu thực sự tự tin vào tay nghề thì chị đã không ngại tốn kém để làm một tác phẩm tâm huyết?
- Số tiền tài trợ thực ra cũng không quá nhiều. Hơn nữa, nếu tự thân tôi không vận động, không thực sự cố gắng thì tài trợ cũng chỉ là một hình thức mà thôi. Khi dấn thân vào công việc, tôi đã phải nỗ lực hết mình, bởi nếu tác phẩm bị chê, bị đánh thì người đau nhất chính là tôi. Tôi chẳng dại gì vì lấy tiếng mà phiêu lưu như vậy.
Với tiền tài trợ sẵn có, tôi có thể làm một tác phẩm tầm vừa phải cũng được. Nhưng tôi không muốn như vậy. Tôi ghét kiểu làm ăn công chức. Hơn nữa, đối tác của chúng tôi là người nước ngoài, họ rất kỹ tính trong việc "chọn mặt gửi vàng". Tôi tin bản thân mình là người có uy tín thì mới nhận được sự ưu ái như vậy.
Lê Bảo thực hiện