Bạn khó có thể tưởng tượng những người sử dụng, buôn bán ma túy lại để tâm tới việc bảo vệ môi trường, nhưng dường như đây là xu hướng tại Anh.
Ngày 7/1, Metro đưa tin kẻ bán ma túy đang chuyển sang đóng gói "hàng" trong lọ nhựa sử dụng nhiều lần để chiều lòng những khách hàng quan tâm tới môi trường. Trước kia, họ gói ma túy trong túi nilon khóa kéo, túi giấy chống thấm mỡ hoặc màng bọc thực phẩm.
Một người dùng cocain ở Birmingham trong lần mua hàng mới đây đã nhận được thuốc đựng trong lọ nhựa có nắp đậy. Ban đầu, người này tưởng là trò đùa, nhưng người bán khẳng định sẽ không tiếp tục đựng hàng theo cách cũ. Người mua có thể mang lọ trong những lần sau, làm như vậy sẽ tốt cho môi trường và thuận tiện.
Trên thực tế, việc chuyển sang lọ nhựa ít có khả năng làm cân bằng lại tác động của cocain với môi trường. Nghiên cứu của Đại học New York chỉ ra quá trình sản xuất ma túy đã góp phần gây ra nạn phá rừng nghiêm trọng ở Colombia.
Tháng 7/2018, cảnh sát trưởng London Cressida Dick cho rằng người thuộc tầng lớp trung lưu đã "đạo đức giả" khi bày tỏ quan ngại về môi trường nhưng lại không nhận thức được tác hại của cocain. Bà cáo buộc họ mới chính là khách hàng và tiếp tay cho các đường dây sản xuất ma túy.
Một bản khảo sát tội phạm năm 2017-2018 trên phạm vi Anh và xứ Wales cho thấy lượng người dùng cocain tại đây đã lên tới con số 875.000, đạt mức kỷ lục trong thập kỷ qua và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau phát ngôn của nữ cảnh sát trưởng, Telegraph thực hiện bài điều tra về xu hướng gắn mác ma túy dành cho "người ăn chay" hoặc "thân thiện với môi trường".
Tờ báo phát hiện nhiều kẻ rao bán ma túy trực tuyến đang tập trung tiếp thị tới người mua quan tâm vấn đề môi trường khi khẳng định "hàng" của mình có nguồn gốc "hữu cơ" và "bền vững". Trong quá trình điều tra, phóng viên bắt gặp thuốc tạo ảo giác LSD được người bán hứa hẹn không gây hại hoặc ngược đãi động vật trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, Cơ quan xử phạt Quốc gia Anh (NCA) cảnh báo đây chỉ là thủ đoạn tiếp thị nhắm vào tầng lớp người dùng trung lưu nhằm thúc đẩy doanh số và là cái cớ để đẩy giá cao. Người phát ngôn khẳng định không có đường dây sản xuất ma túy nào vận hành một cách "đạo đức".
Jack Cunliffe, giảng viên khoa tội phạm học tại Đại học Kent, Anh, sau khi nghiên cứu về hoạt động buôn bán ma túy trực tuyến đã cho biết cửa hàng mới rất khó chen chân vào thị trường này. 95% giao dịch được thực hiện chỉ bởi 5% số cửa hàng.
Theo Jack Cunliffe, lời hứa hẹn về ma túy có nguồn gốc "nhân đạo" nhiều khả năng chỉ là mánh khóe cạnh tranh. Để có lợi thế trên thị trường, người bán có thể làm bất cứ điều gì để vượt xa đối thủ, bao gồm cả dùng thủ đoạn đánh vào tâm lý người tiêu dùng có cuộc sống trung lưu - khách mua không thường xuyên.