Bản án được TAND Hà Nội tuyên chiều 22/5. Trong 7 bị cáo, ông Thuần, 61 tuổi, cựu phó chủ tịch UBND huyện, cựu Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm, là người duy nhất được hưởng án treo, cho tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Thuần được HĐXX đánh giá gây thiệt hại cho nhà nước "do tin tưởng cấp dưới", ký 26 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng các khu đất và miễn giảm tiền sử dụng đất. Song ông chưa có tiền án, nhiều thành tích, nộp tiền khắc phục hậu quả nên được tòa cho hưởng mức án nhẹ nhất.
Hoàng Văn Thành, Tổng giám đốc công ty CP kinh doanh tổng hợp - xây dựng và phát triển nhà Thành Đạt, bị phạt 26 năm tù cho hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Lương Văn Thành (cựu trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm) bị phạt 4 năm 6 tháng tù; cấp dưới của ông Thành là Lý Duy Khoa và Phan Thế Long (cựu cán bộ địa chính thị Trấn Trâu Quỳ) mỗi người 4 năm tù. Nguyễn Bá Hoán (cựu chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Quỳ) lĩnh 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Hải án 4 năm tù. 5 người này cùng bị kết tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nội dung vụ án liên quan khu đất tại Tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, gồm 9 thửa đất nông nghiệp, tổng hơn 5.200 m2, đứng tên 9 hộ gia đình ở Tổ dân phố Cửu Việt từ năm 1999.
Năm 2011, bị cáo Hoàng Văn Thành, Ngô Thị Thanh Thủy (đã chết) cùng góp tiền mua 9 thửa đất trên. Do là đất nông nghiệp trồng lúa, không được chuyển nhượng cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên tháng 11 cùng năm, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản yêu cầu các bên hủy bỏ việc chuyển nhượng và trả lại tiền cho nhau. 9 hộ gia đình trên không trả lại tiền, Thành và Thủy là người sử dụng thực tế khu đất trên.
Ngày 20/10/2011, bị cáo Thành lập ra Công ty Thành với mục đích xin lập dự án xây dựng nhà liền kề để bán tại diện tích đất nêu trên và được huyện Gia Lâm đồng ý. UBND huyện Gia Lâm sau đó xin chủ trương nhưng chưa được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận.
Năm 2015, 2016, Thành và Thủy nhờ người đứng tên nhận ủy quyền định đoạt các thửa đất trên và xin tách thành 29 thửa đất nông nghiệp.
"Thuê thương binh" đứng tên để được miễn giảm thuế phí chuyển đổi đất
Để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị và xin miễn giảm tiền sử dụng đất 70-90%, khi chuyển mục đích sử dụng đất, bị cáo Thành và Nguyễn Quang Hải bàn nhau thuê thương binh, người có công với cách mạng đứng tên các thửa đất trên để được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất.
Sau đó, Thành và Thủy thuê 29 người có công với cách mạng (gồm 14 thương binh, 5 bệnh binh, ở người bị nhiễm chất độc hóa học, 4 người có công với cách mạng...) với số tiền 20-50 triệu đồng/người, để đứng tên các thửa đất.
Theo hợp đồng, họ ủy quyền cho Thành, Thủy và Hải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở; xin miễn giảm tiền sử dụng đất và toàn quyền định đoạt đối với 29 thửa đất sau khi chuyển mục đích.
Do vướng quy hoạch đất giao thông và cây xanh nên 3 thừa đất không thể xin chuyển mục đích sử dụng, còn 26 thửa. Để chuyển đổi được mục đích sử dụng đất, bị cáo Thành và Hải bàn nhau gặp gỡ, nhờ vả lãnh đạo huyện Gia Lâm.
Tháng 6/2017, VKS cáo buộc Thành và Hải "thường xuyên đến UBND huyện Gia Lâm gặp Lương Văn Thành (khi đó là trưởng phòng Tài nguyên Môi trường) và Nguyễn Ngọc Thuần (khi đó là Phó chủ tịch huyện) để nhờ giải quyết hồ sơ".
Bị cáo Long, khi đó là cán bộ UBND Thị trấn Trâu Quỳ, tiếp nhận giải quyết 26 hồ sơ này. Long bị cáo buộc "biết rõ khu đất là của Thành, không phải của những người có công với các mạng và các thửa đất này không phải là đất nông nghiệp nằm xen kẹt trong khu dân cư", không thuộc trường hợp chuyển đổi nhưng vẫn báo cáo là đất xen kẹt.
Để "trả ơn", nhóm Thành và Hải đã "bán rẻ" cho Long một thửa đất 175 m2, cáo trạng nêu.
Các hồ sơ sau đó được bị cáo Hoán, khi đó là Chủ tịch UBNS thị trấn Trâu Quỳ, ký xác nhận, ký tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông Hoán bị VKS cáo buộc khi ký các tài liệu này đã "biết rõ các thửa đất không phải là đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư, biết rõ là đất của Thành, không phải là đất của người có công với cách mạng".
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Thành khai đã chi cho chủ tịch Hoán 15 triệu đồng với mỗi bộ hồ sơ, tức 540 triệu đồng cho 26 bộ hồ sơ.
Tại UBND huyện Gia Lâm, cơ quan công tố xác định, bị cáo Khoa (cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường) tiếp nhận giải quyết 26 hồ sơ đã chịu tác động, chỉ đạo của cấp trên - bị cáo Lương Văn Thành (cựu trưởng phòng Tài nguyên Môi trường).
Do đó, khi thụ lý hồ sơ, Khoa biết rõ nội tình, tính chất các mảnh đất, song không kiểm tra, xem xét, vẫn trực tiếp để xuất miễn giảm tiền sử dụng đất và được bị cáo cho 30 triệu đồng và "hứa hẹn bán cho một thửa đất sau khi chuyển được", cáo trạng nêu.
Các văn bản sau đó được trình lên phó chủ tịch huyện Gia Lâm khi đó là ông Thuần. Ông bị cáo buộc "không kiểm tra" hiện trạng các thửa đất nhưng do "tin tưởng cấp dưới" vẫn ký cho phép chuyển mục đích sử dụng 26 thửa đất, tổng hơn 3.400 m2 và miễn giảm thuế phí.
VKS kết luận tổng thiệt hại từ các sai phạm là hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, phần của bị cáo Thành 14 tỷ, Thủy 4 tỷ và Hải 2 tỷ.
Ngoài sai phạm này, bị cáo Thành còn bị truy tố Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng liên quan các thửa đất thuộc vụ án này. Cụ thể, ngoài 26 thửa có thể chuyển mục đích, có 3 thửa vướng quy hoạch đất giao thông và cây xanh, không thể làm thủ tục. Bị cáo Thành biết rõ điều này, song vẫn bán 470 m2 thuộc các thửa đất này với giá 9,2 tỷ đồng cho một người. Thành hứa hẹn có thể chuyển sang đất ở nhưng không làm được, lấy tiền chi tiêu hết.
Thủy được xác định là đồng phạm của Thành và Hải, song do bà đã chết năm 2021, cơ quan điều tra không đề cập xử lý trong vụ án.
Theo cáo buộc, sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất, nhóm Thành tiếp tục chia tách 26 thửa đất này thành 58 thửa, bán cho những người khác.
58 hộ này khẳng định không biết việc các thửa đất bị chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật. Cơ quan tố tụng cho rằng các hộ dân đã mua đất là bên thứ ba ngay tình, hiện khu đất phù hợp với quy hoạch đất ở đô thị, do đó đề nghị UBND huyện Gia Lâm căn cứ pháp luật xem xét, xử lý theo quy định.
Với 29 người có công với cách mạng được thuê đứng tên trên đất, VKS xác định họ "bị lợi dụng"; không nhận thức được việc đứng tên trên giấy xác nhận người có công với cách mạng là giúp sức cho Thành, Hải, Thủy thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, nhà chức trách không đề cập xử lý 29 người trong vụ án.
Trước phiên tòa, VKS ghi nhận các bị cáo khắc phục hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó cựu phó chủ tịch huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần 100 triệu đồng; cựu chủ tịch thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Bá Hoán 300 triệu đồng, Hải 960 triệu đồng...
Thanh Lam