Theo thông tin từ TAND TP HCM, vụ án lừa đảo chiếm đoạt số tiền được cho là lớn nhất từ trước đến nay do Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, quê Tiền Giang) thực hiện cùng 22 bị cáo khác sẽ đưa ra xét xử vào đầu năm 2014. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 6/1/2014 đến 25/1/2014 do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM làm chủ tọa. Tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án có đến 34 luật sư.
Huyền Như nguyên là phó phòng quản lý rủi ro ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP HCM sau này được bỏ nhiệm thêm quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Từ những năm 2007, Như với vai trò là cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank đã vay trên 200 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành như TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang…
Đến năm 2010, do việc làm ăn thua lỗ, lại phải trả lãi suất cao nên Như mất khả năng thanh toán. Nắm được nghiệp vụ ngân hàng và lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ (được phê duyệt những lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị và doanh nghiệp khác), Như bị cho là đã giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động rồi chiếm đoạt số tiền khủng.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Như đã làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị tạo lập nhiều giấy tờ, chứng từ, hợp đồng… lừa đảo của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân số tiền hơn 4.900 tỷ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỷ.
Kết quả điều tra cho thấy, đa phần số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi cho 14 cá nhân (hơn 1.200 tỷ đồng), chi chênh lệch ngoài hợp đồng cho "cò" ngân hàng hơn 42 tỷ, trả nợ gốc, nợ lãi cho 4 công ty hơn 925 tỷ đồng. Còn hơn 1.200 tỷ, Như thừa nhận dùng để trả các khoản lãi "cắt cổ" khác và tiêu xài hết.
Người được cho là giúp sức đắc lực cho Như trong các phi vụ là Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, TP HCM). Chẳng hạn, khoảng tháng 5/2011, thông qua mối quan hệ, Như biết Nguyễn Thị Nga - một nhân viên ngân hàng có một số công ty riêng ở Hà Nội đang có nguồn tiền muốn gửi nên đã bàn bạc với Võ Anh Tuấn cùng bay ra để đàm phán. Khi gặp những người trong các công ty này, Như giới thiệu mình tên là Quyên, nhân viên của Tuấn, đang muốn huy động số tiền nhàn rỗi cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.
Như yêu cầu Nga cung cấp danh sách và hồ sơ các công ty có vốn cần gửi bao gồm Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên để mở tài khoản tại Vietinbank và thỏa thuận mức lãi tiền gửi là 18 – 22%/năm tùy vào số tiền và thời hạn gửi. Như đã làm giả tổng cộng 110 hợp đồng tiền gửi với 3 công ty này, giả chữ ký của Hà Tuấn Anh (giám đốc) và Võ Anh Tuấn (phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) để huy động của những công ty này gần 2.500 tỷ đồng. Sau khi tiền của các công ty này được chuyển vào tài khoản của họ tại Vietinbank chi nhánh TP HCM, Như đã làm giả 127 lệnh chi, chữ ký của các giám đốc công ty để rút tiền đem trả nợ cho những người đã vay trước đó.
Cũng với cách thức tương tự, Như đã dụ nhiều ngân hàng và các công ty khác gửi tiền vào Vietinbank sau đó làm giả giấy tờ để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, khoảng tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, thông qua Huỳnh Bảo Ngọc (phó phòng quản lý quỹ) và Huỳnh Thị Ngọc Ánh (phó phòng kế toán, ngân hàng ACB), Như đã huy động của ngân hàng này hơn 1.100 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa số tiền gửi này, Như thỏa thuận với ACB ký hàng chục hợp đồng tiền gửi cho hơn 20 nhân viên của ngân hàng này đứng tên với mức lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,8 đến 4,5%.
Ngay sau khi ACB chuyển tiền vào tài khoản của các nhân viên ngân hàng này được mở tại Vietinbank, Như đã chi hơn chục tỷ đồng trả lãi suất theo đúng mức thỏa thuận trong hợp đồng (14%) để tạo lòng tin dụ họ tiếp tục gửi tiền. Nhưng số tiền gốc còn lại của ACB trong các tài khoản mở tại Vietinbank thì Như chiếm đoạt bằng cách làm giả lệnh chi và chuyển tiền thẳng từ những tài khoản này để trả nợ. Tổng cộng Như đã chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỷ đồng. Trong đó, Như khai đã "lót tay" cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc hơn 3,7 tỷ đồng chênh lệch ngoài hợp đồng.
Trong hầu hết các phi vụ, Như đều giả chữ lý của Võ Anh Tuấn. Mặc dù biết việc làm trái pháp luật của Như nhưng Tuấn vẫn tạo điều kiện cho cô ta thực hiện âm mưu. Trong quá trình huy động tiền của các đơn vị, cá nhân, Tuấn được Như “lại quả” hơn 10 tỷ đồng qua Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Khải để đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang. Số tiền này theo Như khai là tiền thu lợi từ việc Tuấn đưa cho Như 500 triệu đồng để kinh doanh chứng khoán, bất động sản từ năm 2007. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng thực chất đây là tiền Như lừa đảo chiếm đoạt được và chia cho Tuấn.
Được xác định là người cầm đầu vụ án, Như bị truy tố về 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (theo khoản 4 điều 139 và khoản 3 điều 267 BLHS) với mức án tối đa là chung thân. Với vai trò là người giúp sức tích cực cho Như trong việc huy động tiền của các ngân hàng và chiếm đoạt, Võ Anh Tuấn cũng bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ án, 21 bị cáo khác cũng bị truy tố về 2 tội như bà Như cùng các tội Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó có 13 bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ các phòng giao dịch thuộc ngân hàng Vietinbank và nhiều giám đốc, phó giám đốc của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng liên quan đến vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Những bị cáo này đã được tách ra xử lý trong đại án liên quan đến Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) dự kiến cũng được xét xử trong tháng 1/2014.
Hải Duyên