Cuối tháng 8, anh Duy ở Hà Nội nhận được điện thoại từ số máy +80819900xxx thông báo anh đang có một biên lai phạt nguội do vi phạm giao thông. Sau khi tổng đài viên tự động thông báo, anh làm theo hướng dẫn ấn phím số 9 để gặp trực tiếp nhân viên tư vấn.
Sau chừng 10 giây đợi kết nối, một người đàn ông nói giọng miền Trung vẻ đầy nghiêm túc ở đầu dây bên kia cất lên: "Xin chào anh Duy, chúng tôi gọi cho anh từ Sở Giao thông vận tải thành phố. Ôtô của anh đã vi phạm giao thông với lỗi vượt đèn đỏ từ tuần trước và hiện anh chưa nộp phạt. Bây giờ, mời anh hợp tác để chúng tôi xác minh các thông tin, giúp tránh bị tăng tiền phạt".
Anh Duy sững người khi "tư vấn viên" đọc đúng ngày di chuyển ra đường nên khá tin tưởng. Sau khi đọc số căn cước công dân, biển số xe, người này nói anh đợi máy để kiểm tra trên hệ thống. Một lúc sau, anh Duy được thông báo phải nộp phạt 9 triệu đồng về các lỗi vượt đèn đỏ, đi sai làn, đè vạch. Sau hôm nay, mức phạt sẽ tăng lên 18 triệu đồng do nộp chậm.
Người này hướng dẫn sẽ "in biên lai ngay bây giờ" để nộp phạt online. Anh Duy đồng ý và cung cấp số tài khoản ngân hàng. Khi được đề nghị đọc mã OTP, anh biết bị lừa nên lớn giọng "tra khảo". "Lúc này kẻ gian biết không lừa được nên quát tháo, nói rất tục và đe doạ tôi trước khi cúp máy. Ngay sau đó, tôi nhờ người thân tra trên hệ thống mới biết mình không bị phạt nguội", anh Duy kể.
Đến giờ Duy vẫn không hiểu sao thông tin cá nhân lại bị lộ nhiều như vậy. Sau lần suýt mất tiền oan, anh tự nhủ sẽ bảo vệ mình bằng cách không nghe các cuộc gọi có số lạ, dù đó là giải pháp cực đoan.
Những người bị như anh Duy thời gian gần đây không ít, nhất là khi dịch bệnh căng thẳng tội phạm lừa đảo qua điện thoại càng hoạt động rầm rộ.
Chị Hoa, 42 tuổi, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho biết ngày 22/8 nhận được cuộc gọi từ người lạ tự xưng cán bộ điện lực, thông báo thẻ căn cước công dân của chị được dùng đăng ký đóng tiền điện tại TP HCM và đang nợ tiền. Thẻ này còn đứng tên trên một tài khoản ngân hàng liên quan vụ án buôn bán ma túy và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để xác minh.
Tưởng thật, chị Hoa làm theo yêu cầu, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP thì phát hiện tài khoản bị rút mất 520 triệu đồng. Sự việc đã được chị Hoa trình báo với Công an quận Hoàng Mai.
Theo một chuyên gia công nghệ, mã OTP là loại mật khẩu dùng một lần gửi qua tin nhắn hoặc phần mềm. Đây là phương pháp xác thực bảo mật được sử dụng nhiều trong những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng. Mã này là "mấu chốt" để hacker khai thác nên người dùng cần phải bảo mật, không cung cấp cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng.
Ví dụ, trong giao dịch chuyển tiền, nhiều dịch vụ sẽ yêu cầu người thực hiện nhập thêm mã OTP được gửi đến số điện thoại cá nhân để đảm bảo chính chủ thực hiện.
Theo Công an Hà Nội, thời gian qua xuất hiện tình trạng kẻ lừa đảo gọi điện thoại tự xưng là cảnh sát giao thông hay đơn vị có thẩm quyền để thông báo việc "phạt nguội". Thủ đoạn phổ biến là đề nghị người dân cung cấp số biên bản, tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng... để được thông báo về hành vi vi phạm. Khi tất cả được đáp ứng, chúng sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản hoặc cung cấp mã OTP để xác minh và đặc biệt phải giữ kín sự việc...
Đa phần nạn nhân là người ít cập nhật thông tin và khi xảy ra sự việc lại sợ mất uy tín nên không trình báo, gây khó khăn khi điều tra, nhà chức trách đánh giá.