FLC Faros là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của FLC, phụ trách việc xây dựng một số dự án. FLC Faros đồng thời cũng góp vốn, sở hữu cổ phần trong một số đơn vị liên quan. Theo bản cáo bạch năm 2016, ở thời điểm niêm yết cổ phiếu ROS trên HoSE, FLC Faros chỉ có hai cổ đông lớn. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 180 triệu cổ phần (41,79% vốn điều lệ). Cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH MTV FLC Land với sở hữu 5,23%.
Với những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường, ROS hiện nay được xếp vào nhóm hàng đầu cơ, với mức thị giá cổ phiếu chỉ ngang cốc trà đá, mớ rau. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư theo dõi chứng khoán nhiều năm, ROS từng "làm mưa, làm gió".
Ba năm ROS được xếp vào nhóm bluechip trong VN30, có nhiều thời điểm là cổ phiếu chi phối chính hai chỉ số VN-Index và VN30-Index. Ở thời kỳ đỉnh cao nhất, thị giá của ROS vượt 200.000 đồng, là một trong những mã đắt giá nhất sàn chứng khoán. Dù vậy, khi ROS trở thành hiện tượng, báo cáo tài chính hay diễn biến giao dịch cũng lộ ra không ít điểm bất thường.
Đầu tiên là cách thức tăng vốn. Công ty Xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu là 1,5 tỷ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ trong chưa tới hai năm sau đó, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, vốn điều lệ của FLC Faros tăng hơn 3.000 lần.
Theo Cơ quan điều tra, ông Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống của FLC Faros (ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo em gái bán toàn bộ cổ phiếu ROS thu được hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Trên báo cáo tài chính kiểm toán của FLC Faros, đơn vị kiểm toán từng có lưu ý về những bất thường của con số hàng nghìn tỷ đồng này.
Trong báo cáo kiểm toán bán niên năm 2016, Công ty TNHH Kiểm toán ASC nhấn mạnh, "trong đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016".
Hiểu một cách đơn giản, các cổ đông góp vốn từng phần thông qua việc chuyển tiền vào tài khoản của FLC Faros, nhưng ngay lập tức tiền lại được chuyển ra ngay và quy trình này lặp lại đến 18 lần chỉ trong ngày 8/1/2016. Với 18 vòng chuyển tiền, thực tế cổ đông của FLC Faros chỉ cần hơn 25 tỷ đồng để hoàn tất đợt tăng vốn.
Kết quả của "vòng lặp" này là sự bất thường trong cấu trúc tài chính của FLC Faros. Một công ty xây dựng có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng, có thể xếp vào top đầu của nhóm công ty xây dựng trên thị trường, nhưng gần như toàn bộ tài sản của FLC Faros để dưới dạng ủy thác đầu tư.
"Tính đến ngày 30/6, tổng số tiền Faros uỷ thác đầu tư cho các cá nhân là 1.417 tỷ đồng, uỷ thác đầu tư cho các tổ chức là 2.149 tỷ đồng", đơn vị kiểm toán ASC lưu ý trong phần "Vấn đề cần nhấn mạnh" trên báo cáo tài chính của ROS.
Dù vậy, ngay trong thỏa thuận ủy thác này cũng bất thường khi người được ủy thác cũng chính là cổ đông góp tiền tăng vốn cho FLC Faros.
Thuyết minh báo cáo tài chính bán niên năm 2016 cho biết, FLC Faros ủy thác gần 100 tỷ đồng cho ông Nguyễn Quang Trung và 400 tỷ cho ông Trần Văn Toản. Hai cá nhân này cũng là hai cổ đông của doanh nghiệp. Tức là họ góp tiền vào công ty để tăng vốn rồi ngay lập tức nhận lại tiền do FLC Faros ủy thác họ đầu tư.
Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền ra vào cũng thể hiện được điều này. Là doanh nghiệp xây dựng, nhưng phần lớn quy mô lưu chuyển tiền của FLC Faros là hoạt động tài chính. Năm 2015, công ty này thu 2.800 tỷ đồng từ tăng vốn, nhưng chi ra gần 2.700 tỷ đồng để cho vay. Năm 2016, tiền thu từ cổ đông góp vốn hơn 462 tỷ đồng thì chi ra cho đầu tư hơn 436 tỷ.
Sau những đợt tăng vốn khủng là đến giai đoạn "làm mưa, làm gió" trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu ROS của FLC Faros giao dịch phiên đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vào ngày 1/9/2016, với giá tham chiếu là 10.500 đồng, tương đương giá trị vốn hoá ở thời điểm đó là hơn 4.500 tỷ đồng.
Ngay từ phiên chào sàn, ROS đã tăng trần liên tiếp. Mã này giữ trạng thái "trắng bảng bên bán" 12 phiên từ ngày 1/9 đến 19/9/2016. Ba tháng sau khi niêm yết, ROS ghi nhận hơn 30 phiên tăng trần, với thị giá gấp gần 9 lần chào sàn. Đà tăng tiếp tục được nối dài sang năm 2017 với mức đỉnh 130.000 đồng trước khi điều chỉnh. Dù vậy, nhịp giảm cũng không kéo dài lâu.
ROS trở thành hiện tượng khi tăng phi mã lên gần 220.000 (thị giá điều chỉnh gần 180.000 đồng) trong nửa cuối năm 2017, trở thành một trong những cổ phiếu đắt giá nhất thị trường.
Đi cùng với thị giá tăng là khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh, với hàng triệu tới hàng chục triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. Ở thời điểm đỉnh cao nhất, quy mô vốn hóa của FLC Faros đạt hơn 100.000 tỷ đồng, với thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng.
Tháng 7/2017, với mức thanh khoản và quy mô vốn hóa tăng cao, cổ phiếu ROS chính thức lọt rổ VN30 - nhóm 30 cổ phiếu bluechip của HoSE. Kết quả này, cùng với mức độ tác động của ROS tới diễn biến thị trường chung khiến mã này lọt vào danh mục của nhiều quỹ ETF mô phỏng chỉ số.
Dù vậy, đà tăng nhanh bao nhiêu thì đà giảm cũng mạnh không kém.
Bắt đầu từ năm 2018, ROS lao dốc không phanh. Nhà đầu tư càng cố dò đáy thì thua lỗ càng lớn. Chưa tới nửa đầu năm 2018, thị giá của ROS giảm từ mức đỉnh về chỉ còn 1/4, quanh ngưỡng 40.000 đồng. Đến đầu năm 2020, cổ phiếu này giảm tiếp về dưới ngưỡng 10.000 đồng. Từ một "ngôi sao", "hiện tượng" của sàn chứng khoán, chỉ trong hai năm, ROS trở thành cổ phiếu đầu cơ nhóm penny, với thị giá chỉ ngang cốc trà đá, mớ rau.
Mã này chỉ thực sự nổi sóng trở lại vào cuối năm 2021, cùng nhịp tăng với nhóm cổ phiếu đầu cơ và bất động sản. ROS tăng lên mức đỉnh 16.000 đồng vào cuối năm 2021 rồi giảm mạnh khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, về vùng giá dưới 3.000 đồng.
Mới đây, HoSE thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ROS từ 5/9 do vi phạm quy định về công bố thông tin. HoSE cho biết đã nhận được giải trình về nghĩa vụ công bố thông tin của ROS, nhưng nhận thấy công ty có khả năng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, công ty này vẫn chưa nộp nhiều tài liệu khác như báo cáo tài chính quý I và II/2022, báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên 2021. Công ty cũng chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, chưa đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị tối thiểu và chưa có người đại diện pháp luật.
HoSE nhận định "ROS có thể tiếp tục vi phạm công bố thông tin và điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư".
Minh Sơn