Neuro RX Gamma được phát triển bởi Công ty Công nghệ Sinh học Vielight, sử dụng liệu pháp photobiomodulation (quang sinh học).
Thiết bị hoạt động bằng cách bắn sóng gamma 40Hz trực tiếp vào hộp sọ thông qua hệ thống đèn LED gắn ở tai và mũi của bệnh nhân, tác động lên vùng đồi thị, phần não chịu trách nhiệm ghi nhớ, khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi căn bệnh Alzheimer.
Ánh sáng làm tăng số lượng ty thể, sản xuất năng lượng và cải thiện chức năng truyền tin của các tế bào. Các xung ánh sáng cận hồng ngoại cũng kích thích quá trình sinh lý, chữa lành hoặc phục hồi những tổn thương ở não bộ.
Thay vì sử dụng thuốc để loại bỏ các rối loạn protein gây ra chứng mất trí nhớ, thiết bị Neuro RX Gamma thúc đẩy não bộ kích hoạt các tế bào miễn dịch microglia giúp đẩy lùi căn bệnh.
Nếu thành công, đây sẽ là hình thức điều trị đầu tiên thực sự đẩy lùi bệnh mất trí nhớ. Cho đến nay, các loại thuốc tân tiến nhất như aogenanumab cũng chỉ có thể làm chậm sự khởi phát của Alzheimer.
Thử nghiệm được thực hiện tại Đại học Toronto trên 228 tình nguyện viên sinh sống tại Canada và Mỹ. Trong số đó, 114 người sử dụng thiết bị 20 phút mỗi ngày, 6 ngày một tuần, kéo dài 12 tuần. Số còn lại được cho uống giả dược.
Kết quả, 114 bệnh nhân dùng Neuro RX Gamma ngủ sâu hơn, ít lo lắng, giảm đãng trí... Nhiều người lấy lại trí nhớ, kỹ năng đọc, viết và định hướng. Kết quả chiếu chụp cũng cho thấy, chức năng kết nối giữa các vùng não và lưu lượng máu được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, khi ngừng trị liệu, trí nhớ của các bệnh nhân lại suy giảm.
Tiến sĩ Lew Lim, tác giả nghiên cứu, nhận định ngôi nhà hiện đại nhưng thiếu ánh sáng là một phần thúc đẩy sự gia tăng và trẻ hóa của bệnh Alzheimer. Các quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân cao như Phần Lan, Iceland và Thụy Điển đều ở bắc bán cầu. Trong khi đó, người dân tại nam bán cầu, nơi nhận được nhiều ánh sáng mặt trời, hỗ trợ quá trình tổng hợp vitamin D có nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ thấp hơn.
Các nhà khoa học lo ngại đây có thể là hiệu ứng giả dược (placebo), song họ tin rằng hiện đã có đủ bằng chứng cho thấy phát triển thiết bị đảo ngược quá trình mất trí nhớ là khả thi.
Thục Linh (Theo Telegraph)