Ông biết thông tin phòng khám khi lướt mạng xã hội, thấy bài đăng quảng cáo cơ sở chuyên điều trị những bệnh khó nói, bất thường tại vùng kín, trong đó có tiểu đêm. Ông nhắn tin hỏi thăm và được nhân viên tư vấn, "ngày nào cũng gọi điện khuyên đi khám sớm để tránh bệnh nặng nguy hiểm".
Đến nơi, ông được hai người mặc áo blouse, xưng là bác sĩ, luồn ống vào niệu đạo để thăm khám. Trên bàn khám, ông được "bác sĩ" cảnh báo nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, cần tiêm một loại thuốc giá 18 triệu đồng giúp khỏi 50% và loại tốt hơn, giá 22 triệu, khỏi trên 90%. "Tôi nghe ung thư nên hoảng, đồng ý tiêm loại tốt và chuyển khoản trả tiền ngay", bệnh nhân nói.
Sau tiêm thuốc, ông về nhà, tình trạng tiểu đêm vẫn không dứt. Ông mở hóa đơn truyền thuốc kiểm tra, thấy nước muối sinh lý, thuốc sát khuẩn, kháng sinh giá rẻ. Ông đến một bệnh viện lớn để thăm khám lại, sau khi uống thuốc hết khoảng 1,2 triệu đồng, bệnh của ông đã khỏi.
Đây là kịch bản "vẽ bệnh" để moi tiền thường thấy ở nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài tại TP HCM, những năm qua. Hầu hết bệnh nhân vào phòng khám, được thăm khám hoặc hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm đơn giản chỉ vài trăm nghìn đồng. Sau đó, người bệnh được đưa lên bàn thủ thuật mới nhận được các chẩn đoán từ bác sĩ là bệnh rất nặng, nguy hiểm, có thể diễn tiến thành ung thư... với chi phí điều trị rất cao. Thực hiện xong thủ thuật điều trị bệnh này sẽ phát sinh bệnh khác, bệnh nhân rời phòng khám có khi phải tốn chi phí vài chục triệu đồng.
Cũng với chiêu thức "vẽ" ra bệnh nghiêm trọng, chị Thu Tuyết, 31 tuổi, bị phòng khám đa khoa quốc tế ở quận 1 chữa trị tốn hơn 16 triệu đồng. Chị bị ngứa vùng kín, đến phòng khám được một người, không đeo bảng tên, chẩn đoán lộ tuyến cổ tử cung, nguy cơ vô sinh, ung thư. Nhân viên phòng khám này đã đốt lộ tuyến cho chị và truyền thuốc, kê thuốc uống. Chịu đau, điều trị tốn kém suốt hai tuần mà vẫn không khỏi, chị đến bệnh viện phụ sản khám, được bác sĩ cho biết bị viêm âm đạo, chỉ cần đặt thuốc.
"Bác sĩ phụ khoa cho biết lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng sinh lý, hoàn toàn bình thường, không liên quan đến ung thư cổ tử cung như lo ngại", chị Tuyết nói. Số tiền 16 triệu đồng là do chị dành dụm đã lâu, lại đang thất nghiệp không có thu nhập nên cảm thấy "rất đau xót vì bị lừa".
Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, sau một thời gian tạm lắng xuống do dịch bệnh Covid-19, gần đây một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám chữa bệnh. Trong đó, nhiều phòng khám đã từng vi phạm trước đây và bị xử phạt ở khung cao nhất.
Người nước ngoài muốn mở phòng khám tại Việt Nam, cần đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động. Giấy chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch đầu tư cấp đối với cơ sở có vốn nước ngoài. Chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn (có thể người nước ngoài hoặc người Việt Nam) do Việt Nam cấp và có quá trình hành nghề ít nhất 36 tháng, danh sách người hành nghề, bảng kê cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự phù hợp.
Người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam cần chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp, giấy phép lao động do Sở Lao động Thương binh Xã hội của địa phương nơi hành nghề cấp, có người phiên dịch để phiên dịch cho người hành nghề từ ngôn ngữ được sử dụng khám bệnh chữa bệnh theo chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp ra tiếng Việt. Bộ Y tế có văn bản xem xét chấp thuận người phiên dịch có đủ điều kiện phiên dịch cho từng trường hợp.
Thực tế, lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, chủ yếu là phòng khám Trung Quốc có nhiều vi phạm quy định trong hoạt động khám chữa bệnh, sau một thời gian tạm lắng do dịch bệnh Covid-19. Thanh tra từng nhiều lần ra quyết định xử phạt ở khung cao nhất, có nơi bị phạt 315 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng sau đó vi phạm vẫn tiếp diễn. Nhiều nơi sau khi bị phạt đã đổi tên phòng khám nhưng vẫn hoạt động trên cùng địa chỉ ban đầu.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế cùng các chuyên gia thuộc Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Bình Dân kiểm tra đột xuất 12 phòng khám từng vi phạm. Trong đó, có 4 cơ sở đăng ký người hành nghề là người nước ngoài, gồm phòng khám đa khoa Âu Á (quận 6), Hoàn Cầu (quận 5), Hồng Phong (quận 5), Thăng Long (quận 10). Đoàn ghi nhận các phòng khám tiếp tục vi phạm các lỗi như bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, không đủ dụng cụ để thực hiện các thủ thuật sản phụ cho người bệnh...
Các chuyên gia ghi nhận một số người hành nghề chưa nắm bắt chuyên môn trong quá trình điều trị, chẩn đoán; điều trị chưa đúng phác đồ của Bộ Y tế, chỉ định kháng sinh không phù hợp phác đồ, không có chứng chỉ đào tạo chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, lỗi hay gặp tại các phòng khám này là quảng cáo không đúng, không phù hợp với nội dung đã được xác nhận, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn đã được cấp phép hoạt động, đặc biệt trong điều trị bệnh nam khoa, bệnh xã hội, bệnh trĩ...
Họp báo tuần qua, đại diện Công an TP HCM cho biết đã buộc xuất cảnh hai người nước ngoài liên quan đến các phòng khám tư "vẽ bệnh, moi tiền" do vi phạm về công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh. Thời gian qua, công an đã phối hợp ngành y tế bị người bệnh phản ánh, ghi nhận một số nơi như phòng khám đa khoa Hồng Phong (quận 5), đa khoa Quốc tế (quận 1) vi phạm quy trình về khám chữa bệnh.
Công an TP HCM cho biết tiếp tục phối hợp cùng ngành y tế kiểm tra hoạt động tại các phòng khám bị phản ảnh "vẽ bệnh", gây ảnh hưởng sức khỏe người dân, xử lý nghiêm các sai phạm và có biện pháp xử lý theo Luật hình sự nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Thượng, Sở Y tế TP HCM đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải thi chứng chỉ, thông thạo và nói tiếng Việt khi khám cho bệnh nhân. Sở cũng đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động nếu tái vi phạm, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề.
Lê Phương