Trong các tật xấu của tài xế Việt Nam thì rọi pha phải liệt vào hạng nguy hiểm nhất. Đang đi với tốc độ 40-50 km/h mà gặp xe nào giương pha, lóa mắt thật khó chịu. Lúc đó tầm nhìn gần như bằng không, chỉ kịp giảm ga giữ lái.
Đáng lẽ những người dùng đèn chiếu xa (để chế độ pha) phải hiểu hành động đó gây nguy hiểm cho chính họ. Nếu gặp người lái yếu, mất phương hướng lấn làn đối đầu thì hậu quả sẽ rao sao?
Nhưng nếu người đối diện giương pha mất lịch sự một thì người rọi pha vào xe phía trước còn khó chịu mười. Họ kiên quyết giữ luồng sáng đó cho đồng loại, không cần biết người kia nghĩ gì. Một chiếc sedan chiếu vào sedan còn đỡ. Một chiếc SUV chiếu vào sedan mới đáng giận làm sao.
Tôi phải nhiều lần chỉnh gương, nghiêng người tránh chói, trong lúc tìm một chỗ đủ an toàn để cho họ vượt.
Nhiều khi nghĩ thầm, không hiểu những người để đèn pha đó họ thích vậy hay sợ chuyển sang cos không nhìn rõ? Hay họ không biết tắt pha ở chỗ nào. Dù nguyên nhân gì, làm phiền người khác bằng sự thiếu hiểu biết cũng là ích kỷ. Sự ích kỷ một cách thường xuyên sẽ thành bản năng. Bởi nhiều lần, tôi nháy pha ra hiệu cho họ chuyển sang chiếu gần. Nhưng tỷ lệ rất thấp. Chỉ 2-3 người nhận rạ và hạ pha. Phần lớn cứ thế đi tiếp.
Một lúc nào đó, bị xe khác chiếu pha, họ nghĩ gì. Tặc lưỡi cho qua hay chửi với theo về kẻ "không biết đi xe"? Trong khi công tắc pha rất đơn giản, mất chưa tới 10 phút để tìm. Tôi tin nếu ai có thói quen nháy pha khi cần thì rất ít khi quên để ở chế độ chiếu xa. Vì thông thường nháy pha cũng đồng nghĩa với việc tắt đèn chiếu xa (ở hầu hết các dòng xe).
Theo luật, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị bị phạt. Nhưng chưa có luật khi ở cao tốc. Cái này chắc sẽ không quy định, bởi ở các tuyến cao tốc thường không có hệ thống chiếu sáng. Đèn chiếu xa có tác dụng tăng tầm quan sát, đỡ mỏi mắt nhưng nên tắt đi khi có xe ngược chiều.
Gặp xe nào đó đang để chiếu xa, rồi chuyển sang chiếu gần khi thấy xe tôi lại gần, thấy thật vui. Chỉ muốn xuống bắt tay tài xế đó.
Mỗi hành động tôn trọng cộng đồng đều mang lại nhiều niềm vui cho người khác.
Nam Nguyễn
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả