Đức Thành, kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, cho biết thường xuyên bắt gặp nội dung về game cờ bạc, bán chất gây nghiện... gắn mác "được tài trợ" mỗi khi lướt bảng tin hoặc xem Reels trên Facebook. Chúng xuất hiện dưới dạng livestream, video quay sẵn hoặc bài viết. Anh nhiều lần chọn chức năng ẩn, báo cáo vi phạm nhưng không hiệu quả.
Theo Tạ Đình Hiếu, người chuyên cung cấp dịch vụ mạng xã hội, các bên chạy quảng cáo luôn có những cách để qua mặt công cụ kiểm duyệt tự động.
Anh cho biết các cá nhân hoặc nhóm chạy chiến dịch quảng cáo thường mua hoặc thuê tài khoản có độ uy tín cao để tăng khả năng được nền tảng duyệt nội dung. Sau đó, họ cố tình viết nội dung sai chính tả, thêm ký tự đặc biệt như #, dấu chấm... hoặc kết hợp giữa tiếng Anh và tiếng Việt để tránh máy quét. Ngoài ra, các chữ cũng viết chệch đi, như thay i bằng j, h bằng k, g bằng q.
"Khi livestream quảng cáo mặt hàng vi phạm, người bán thường điều hướng người mua sang Telegram để giao dịch", Đình Hiếu nói. "Ngay khi kết thúc live, bài quảng cáo sẽ được gỡ xuống nhằm xóa dấu vết, tránh công cụ rà quét của Facebook".
Theo Meta, họ đặt ra chính sách quảng cáo nhằm đảm bảo nội dung xuất hiện trên nền tảng không vi phạm và không liên kết đến nội dung bất hợp pháp. Quảng cáo trước khi xuất hiện trên Facebook hoặc Instagram sẽ được xem xét để đảm bảo tuân thủ Chính sách quảng cáo.
Tuy vậy, trả lời VnExpress, đại diện Meta cho biết: "Trong nhiều trường hợp, quảng cáo sử dụng công nghệ để hiển thị nội dung cho hệ thống xem xét khác với hiển thị cho mọi người, một phương pháp gọi là cloaking (kỹ thuật che giấu). Chúng tôi đang nỗ lực để phát hiện những hành động này và cập nhật hệ thống để ngăn chặn quảng cáo không phù hợp".
Mạng xã hội cũng kết hợp phản hồi tiêu cực từ người dùng (như báo cáo, ẩn hoặc chặn quảng cáo) vào quá trình xét duyệt. Việc này giúp cải thiện hệ thống tự động, từ đó có thể nhận diện nội dung xấu trước khi chúng được đăng tải.
Bên cạnh chiêu né kiểm duyệt của bên quảng cáo, theo ông Hiếu, bản thân Facebook gần đây cũng "dễ thở hơn khi xét duyệt nội dung đen".
Trong khảo sát từ giữa tháng 3 trên VnExpress, 96% những người tham gia cho biết từng thấy quảng cáo cá độ, phản cảm trên Facebook. Chỉ 4% nói không bị làm phiền. Nguyễn Việt Anh, người chuyên cung cấp dịch vụ quảng cáo đa nền tảng, cho biết tình trạng này thậm chí đang tăng sau đợt quét diện rộng của mạng xã hội trong tháng 4.
"Facebook thường thực hiện các đợt quét ngẫu nhiên để loại bỏ nội dung vi phạm. Nhưng thường ngay sau mỗi lần như thế, quảng cáo bẩn lại có xu hướng tăng vì các bên 'tranh thủ' chưa đến đợt rà soát mới", Việt Anh nói.
Tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết không chỉ trên TikTok mà các nền tảng khác như Facebook, YouTube cũng xuất hiện nội dung độc hại. Một số tài khoản còn lợi dụng Facebook Reels để lan truyền tin giả, hình ảnh dung tục, quảng cáo game cờ bạc, thuốc không rõ nguồn gốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook và YouTube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Minh Hoàng